“Nhiều công chức của Cục Quản lý dược đã không chịu được sức ép công việc”

Tính bình quân, mỗi công chức phải đảm nhiệm khoảng 1.300 hồ sơ/năm (trong đó có khoảng 200 hồ sơ gia hạn), thực sự quá tải so với quỹ thời gian và sức khỏe của công chức. Do đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc khác với quy định của Luật Dược trong giai đoạn tiếp theo từ ngày 1-1-2023 đến hết ngày 31-12-2024.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày báo cáo tại phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày báo cáo tại phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC

Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo tại phiên họp sáng 5-1, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, để trao quyền chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và giải quyết, tháo gỡ kịp thời được những khó khăn, vướng mắc, tạo nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 đạt hiệu quả, Nghị quyết số 30/2021/QH15 đã cho phép Chính phủ quyết định một số cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách để kịp thời áp dụng các biện pháp phù hợp đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch.

Các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Nghị quyết số 30 đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả và đầy đủ, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát.

Tuy nhiên, Mục 3 của Nghị quyết 30 chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2022. Trong khi đó, một số chính sách đã triển khai nhưng cần thêm thời gian để thực hiện hết cho các đối tượng và giải quyết các vướng mắc, tồn đọng đối với các hoạt động đã thực hiện nhưng chưa được chi trả, quyết toán và trong thời gian sửa đổi, hoàn thiện các quy định, Chính phủ đề xuất Quốc hội việc chuyển tiếp thực hiện đối với 2 chính sách để bảo đảm quyền, lợi ích của người dân.

Cụ thể, các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 của cơ sở y tế và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thực hiện trước ngày 31-12-2022 theo các quy định của Nghị quyết số 30 và các văn bản hướng dẫn mà chưa thanh toán xong thì được tiếp tục thực hiện thanh toán theo các quy định tại Nghị quyết số 30 và các văn bản hướng dẫn; bảo đảm hoàn thành trước ngày 31-12-2023.

Chính sách thứ hai mà Chính phủ đề xuất chuyển tiếp là: “Về cơ chế thanh toán chi phí phòng, chống dịch Covid-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh Covid-19 đang thực hiện theo Nghị quyết số 30 được hướng dẫn bởi Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 và Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 xin được tiếp tục cho đến hết ngày 31-12-2023”.

Liên quan đến việc sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc khác với quy định của Luật Dược, bà Đào Hồng Lan cho biết, đây là chính sách đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện theo Nghị quyết 30.

Quang cảnh hội trường Diên Hồng

Quang cảnh hội trường Diên Hồng

Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng chính sách này trong giai đoạn tiếp theo từ ngày 1-1-2023 đến hết ngày 31-12-2024.

Theo người đứng đầu Bộ Y tế, việc giải quyết hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong giai đoạn vừa qua gặp nhiều khó khăn. Dù cố gắng, nhưng mỗi tháng chỉ xử lý được khoảng 500 hồ sơ gia hạn, mỗi năm chỉ có thể xử lý tối đa được khoảng 6.000 hồ sơ gia hạn, trong khi số lượng hồ sơ tồn đọng nhiều sau dịch bệnh.

Tính bình quân, mỗi công chức phải đảm nhiệm khoảng 1.300 hồ sơ/năm (trong đó có khoảng 200 hồ sơ gia hạn), thực sự quá tải so với quỹ thời gian và sức khỏe của công chức. Trong giai đoạn 2019-2021, Cục Quản lý Dược phải huy động nhân lực liên tục phục vụ hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra (5 đoàn), không còn đủ thời gian để giải quyết các công việc chuyên môn. Nữ Bộ trưởng trần tình: “Nhiều công chức đã không chịu được sức ép công việc, sợ sai và thực tế từ năm 2018 đến nay, đã có 36 công chức của Cục Quản lý Dược xin thôi việc”.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương xây dựng dự thảo Luật Dược sửa đổi nhằm cải cách thủ tục hành chính trong việc giải quyết hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo thẩm tra

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo thẩm tra

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chuẩn bị báo cáo, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cách thức đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng cho biết, báo cáo của Chính phủ còn thiếu những phân tích, đánh giá cụ thể về tồn tại, hạn chế khi thực hiện từng cơ chế, chính sách cụ thể và nguyên nhân để làm căn cứ cho đề xuất, kiến nghị. Một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung thông tin, đánh giá, làm rõ hơn các nội dung như: về công tác tổ chức cách ly tập trung, tình trạng lây nhiễm chéo tại các khu cách ly tập trung do không bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất; việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội…

Tin cùng chuyên mục