TS Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho rằng, việc sáp nhập cơ học các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của nhiều địa phương nhằm hoàn thành chỉ tiêu tinh gọn bộ máy, đã dẫn tới thực trạng nghệ sĩ thuộc lĩnh vực ca múa nhạc phải đi biểu diễn nghệ thuật sân khấu và diễn viên sân khấu phải đi diễn ca múa nhạc, diễn viên chèo diễn kịch nói, tuồng sang diễn chèo, chèo sang diễn cải lương…
Có nhiều diễn viên sân khấu chuyên nghiệp đi hoạt động phong trào văn nghệ không chuyên ở cơ sở, và cũng có rất nhiều nghệ sĩ không chuyên đang bước lên sân khấu chuyên nghiệp.
Theo khảo sát của Hội Nghệ sĩ sân khấu, nhiều đơn vị nghệ thuật sân khấu công lập hiện nay có khoảng 30 - 50% diễn viên không còn khả năng làm nghề nhưng vẫn nằm trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Vấn đề này đã tồn tại nhiều năm, dẫn đến tình trạng người không làm việc thì được hưởng lương, thế hệ nghệ sĩ trẻ đang sung sức trong lao động sáng tạo nghệ thuật thì nằm ngoài biên chế và hưởng lương hợp đồng từ nguồn thu của đơn vị.
Nhiều nghệ sĩ trẻ không sống được bằng những đồng lương ít ỏi, dẫu đam mê đến mấy cũng phải ngậm ngùi bỏ nghề, tìm công việc khác để có thu nhập, mưu sinh.
Thực tế này đã gây nên sự lãng phí khá lớn về tài chính và nguồn nhân lực.
Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nêu rõ, điểm nghẽn lớn nhất, cũng là điều khó khăn nhất của đời sống sân khấu hiện nay là đang bị khủng hoảng về đội ngũ sáng tạo. Lượng tác giả có kịch bản thường xuyên dàn dựng ở các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nhiều năm gần đây, đội ngũ tác giả đang bị bế tắc về phương hướng sáng tạo, cách thức tiếp nhận và lý giải những mâu thuẫn xung đột của xã hội và con người hôm nay. Có lẽ vì bế tắc nên phần lớn tác giả lựa chọn sáng tác về đề tài lịch sử, dân gian mà không dám dấn thân phản ánh mọi mặt của đời sống đương đại. Nếu dựa vào lịch sử, dân gian để chuyển tải những thông điệp mới mẻ, có ích cho cuộc sống hôm nay cũng là điều rất quý. Thế nhưng, đa số các tác phẩm mới chỉ đạt ở mức minh họa lịch sử.
Sân khấu nhiều năm qua và cả năm 2023 thiếu vắng kịch bản về đề tài đương đại, những vấn đề nóng bỏng đang tác động nhiều mặt, làm đổi thay con người và xã hội trong thời kỳ hội nhập... Đội ngũ tác giả vẫn "khoanh tay bó gối" trước hiện thực đời sống có vô vàn chất liệu đang cuồn cuộn trôi đi từng ngày.
Giải thưởng sân khấu năm 2023 không tìm được giải A cho vở diễn và tác giả kịch bản.
Có 3 giải B, 6 giải C cho các vở diễn sân khấu năm 2023. Giải thưởng Tác giả kịch bản - Sách nghiên cứu lý luận phê bình có 4 giải B, 6 giải C.
Cũng nhân dịp này, hội đã trao Giải Họa sĩ xuất sắc và diễn viên xuất sắc cho 11 cá nhân; trao Giải thưởng Cuộc vận động sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài thiếu niên, nhi đồng với 2 giải A, 3 giải B, 7 giải C.