Nhiều dự án xây mới đường sắt chờ nguồn vốn đầu tư

Ngày 18-12, Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết, nhiều tuyến đường sắt mới sẽ được nghiên cứu, tìm kiếm nguồn lực đầu tư để thực hiện chiến lược phát triển đường sắt trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện một số dự án đường sắt mới đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi nhưng chưa tìm kiếm được nguồn vốn đầu tư.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển ĐSVN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, mạng lưới đường sắt sẽ đầu tư mới tuyến TPHCM - Mỹ Tho - Cần Thơ - Cà Mau, dài 320km, khổ đường 1.435mm, điện khí hóa, giai đoạn đầu tư từ 2020-2030 và giai đoạn sau 2030; tuyến Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ, dài 119km, khổ đường 1.435mm, giai đoạn đầu tư từ 2020-2030 và sau 2030.

Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu, xây dựng các tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên: Đắk Nông - Kon Tum - Đắk Lắk - Bình Phước dài khoảng 550km; Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột dài khoảng 169km; Đắk Nông - Bình Thuận 121km… Các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, lập dự án và tìm kiếm nguồn vốn đầu tư để triển khai, trong đó, các dự án phù hợp sẽ được kêu gọi vốn ngoài ngân sách.

Tuy nhiên, Cục ĐSVN cho biết, hầu hết các dự án đường sắt đều rất khó tìm nguồn vốn đầu tư. Hiện có một số dự án đầu tư tuyến đường sắt mới đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi nhưng chưa tìm kiếm được nguồn vốn đầu tư, ví dụ tuyến Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ, kế hoạch hoàn thành vào 2030, tổng mức đầu tư hơn 1,5 tỷ USD; Tuyến TPHCM - Lộc Ninh, dài 129km, kế hoạch hoàn thành vào 2030, tổng mức đầu tư 948,6 triệu USD; tuyến TPHCM - Vũng Tàu dài 102km, giai đoạn 1 đến 2030, giai đoạn 2 sau 2030, tổng mức đầu tư 2,7 tỷ USD…

Tin cùng chuyên mục