Nhiều kỳ vọng cho năm học mới

Hôm nay (5-9), hơn 1,7 triệu học sinh trên địa bàn TPHCM chính thức khai giảng năm học mới. Trong không khí náo nức của ngày khai giảng, PV Báo SGGP đã ghi nhận một số suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của các thầy, cô giáo đối với các vấn đề đặt ra trong năm học mới nhằm tạo môi trường học tập tốt nhất cho học sinh. 
Học sinh Trường THCS Phú Thọ (quận 11, TPHCM) chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học 2022-2023. Ảnh: CAO THĂNG
Học sinh Trường THCS Phú Thọ (quận 11, TPHCM) chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học 2022-2023. Ảnh: CAO THĂNG

* TS PHẠM ĐĂNG KHOA, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 3Xây dựng trường học hạnh phúc

Nhiều kỳ vọng cho năm học mới ảnh 1 TS Phạm Đăng Khoa

Năm học 2021-2022, toàn ngành giáo dục và đào tạo đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các hoạt động quản trị trường học, dạy học; đồng thời sử dụng nhiều nền tảng, phần mềm nhằm tăng tính tương tác giữa thầy - trò, trò - trò. Qua đó giúp giáo viên và học sinh chủ động về các mặt, đảm bảo không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau. 

Để chuẩn bị cho năm học mới, các trường sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản trị trường học, truyền thông giáo dục và hoạt động dạy, học, kiểm tra đánh giá học sinh. Các trường tiếp tục đẩy mạnh giáo dục STEM (mô hình giáo dục trẻ em kiến thức, kỹ năng về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học một cách tích hợp), đưa tinh thần liên môn, tích hợp để giải quyết các bài toán thực tiễn vào từng tiết dạy, rèn luyện tư duy phản biện, khoa học cho học sinh, đồng thời tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo đổi mới tư duy trong phương pháp, hình thức dạy, đáp ứng tốt việc thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đặc biệt, các trường đẩy mạnh hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống cho học sinh, tập trung xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong mỗi trường học.

Tôi mong lãnh đạo thành phố có nhiều chính sách hỗ trợ đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ nhà giáo, giúp thầy, cô yên tâm công tác, sống hạnh phúc với nghề, sẵn sàng cho những đổi mới trong giáo dục, từ đó lan tỏa hạnh phúc đến học sinh, góp phần lớn trong việc xây dựng trường học hạnh phúc. Ngoài ra, thành phố cần có thêm chính sách hỗ trợ các trường mua và sử dụng nguồn học liệu số, các phần mềm hỗ trợ dạy học và kiểm tra đánh giá nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong giáo dục.

* TS DƯƠNG TRẦN BÌNH, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp): Quan tâm nhiều hơn đời sống giáo viên

Nhiều kỳ vọng cho năm học mới ảnh 2 TS Dương Trần Bình

Năm học 2022-2023, kỳ vọng lớn nhất của đơn vị chúng tôi là tập trung tối đa các nguồn lực để đẩy mạnh dạy học tiếng Anh và Tin học theo chuẩn quốc tế; triển khai hiệu quả mô hình trường chất lượng cao, hội nhập quốc tế. Trong quá trình thực hiện, việc tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên được ưu tiên hàng đầu vì người dạy đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai chương trình theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất cho người học. Một trong những trăn trở của chúng tôi là mong xã hội đánh giá công bằng hơn đối với những nỗ lực của ngành. Trong đó, những điều chúng tôi làm tốt cần được lan tỏa, nhân rộng; những điều chưa tốt được góp ý trên tinh thần xây dựng vì các thầy, cô đang gánh trên vai áp lực khá lớn trong quá trình thực hiện trọng trách “trồng người”. Để giúp các thầy cô yên tâm công tác, rất cần sự chung tay và chia sẻ của xã hội. 

Một trong những vấn đề giáo viên đang quan tâm hiện nay là việc sắp xếp lại bậc lương trong giai đoạn tới. Nếu sau khi sắp xếp lại bậc lương, đời sống giáo viên được nâng cao, mức thu nhập ổn định sẽ giúp thầy, cô yên tâm công tác, không còn tình trạng thiếu giáo viên do thiếu nguồn tuyển như đang diễn ra ở nhiều đơn vị trường học. Năm học mới đã bắt đầu nhưng TPHCM đang đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều môn học như tiếng Anh, Tin học, các môn năng khiếu... Tình trạng thiếu giáo viên xuất phát từ 2 nguyên nhân chính: thu nhập  thấp, khiến đời sống giáo viên chưa được đảm bảo và công tác đào tạo, tuyển dụng còn nhiều bất cập. Nhiều giáo viên sau khi tốt nghiệp có xu hướng chọn đơn vị công tác là các trường trung học, do quy định về định mức tiết dạy ít hơn bậc tiểu học. Thêm vào đó, các thầy, cô đứng trước lựa chọn công tác ở trường công lập hay ngoài công lập khi mặt bằng thu nhập còn khá chênh lệch. Hiện nay, một giáo viên mới ra trường công tác ở trường tiểu học công lập thu nhập chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, trong khi thu nhập ở các trường tư thục, quốc tế cao hơn rất nhiều.  

* TS PHẠM THỊ TRỊNH, Hiệu trưởng Trường THCS Trường Chinh (quận Tân Bình): Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục

Nhiều kỳ vọng cho năm học mới ảnh 3 TS Phạm Thị Trịnh

Năm học 2021-2022 vừa qua đối với ngành giáo dục TPHCM nói chung, Trường THCS Trường Chinh nói riêng là một năm học hết sức đặc biệt vì diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhiều tháng liền học sinh ngừng đến trường, thầy, cô giáo và các em chủ yếu dạy - học trực tuyến. Học sinh khối 6 không được dự lễ khai giảng năm học mới đầu tiên của cấp THCS. Nhiều thầy, cô và học sinh bị nhiễm bệnh, ảnh hưởng sức khỏe. Vượt lên tất cả khó khăn đó, tập thể thầy và trò đã cố gắng, quyết tâm giữ vững truyền thống của đơn vị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 

Năm học 2022 -2023, với mục tiêu tiếp tục thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6 và mở rộng triển khai ở lớp 7, chúng tôi tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất học sinh, các kỹ năng ứng dụng lý thuyết giải quyết vấn đề thực tế đời sống, kỹ năng thực hành xã hội và hội nhập quốc tế. Cũng trong năm học này, ngành giáo dục và đào tạo thành phố hướng đến mục tiêu tăng cường sử dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong dạy và học, chú trọng phát triển năng lực tự học, tự đào tạo của giáo viên và khả năng tự học của học sinh. Để thực hiện các mục tiêu đó, theo tôi cần thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực, kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông TPHCM theo định hướng chuẩn quốc tế giai đoạn 2021-2030”. Trong đó, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trong các phòng học và phòng chức năng là một trong những nỗ lực quan trọng. Trường học cần thường xuyên kiểm tra, sửa chữa hệ thống đường truyền internet, hệ thống wifi để kịp thời hỗ trợ công tác quản lý và giảng dạy, tiếp tục duy trì hướng dẫn giáo viên, học sinh học tập trên các hệ thống quản lý học tập, phần mềm dạy học trực tuyến…

* ThS CAO ĐỨC KHOA, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1): Hướng đến mục tiêu giáo dục thông minh

Nhiều kỳ vọng cho năm học mới ảnh 4 ThS Cao Đức Khoa

Năm học vừa qua là một năm học đầy khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng với sự nỗ lực của các nhà trường, sự phối hợp của cha mẹ học sinh cũng như cố gắng của chính các em học sinh, ngành giáo dục và đào tạo TPHCM đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Học sinh bắt đầu quen dần với hình thức học tập trực tuyến, giáo viên vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch vừa ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. 

Hiện nay, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Do đó, nhà trường không chủ quan, lơ là mà tiếp tục phát huy những thành tích đạt được của năm học cũ, tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông ở lớp 7, tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Cũng trong năm học mới này, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh sẽ đẩy mạnh các hoạt động dạy học theo hướng trường học thông minh 4.0, giáo dục trí tuệ nhân tạo. Học sinh được tạo điều kiện tham gia các hoạt động robotics và tự động hóa, chương trình giáo dục trí thông minh nhân tạo theo hình thức câu lạc bộ với thời lượng 2 tiết/tuần. Để thực hiện các mục tiêu nói trên, chúng tôi đang triển khai nhiều phương pháp đổi mới trong quản lý và dạy học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Tuy nhiên, nhằm giúp các trường triển khai thành công hướng đi này, rất mong các cấp lãnh đạo thành phố hỗ trợ thêm cho các đơn vị về cơ sở vật chất (như máy móc, thiết bị, đường truyền internet) để học sinh ngày càng tiếp cận tốt hơn môi trường dạy học trực tuyến. Ngoài ra, dù những năm qua TPHCM đã có nhiều sự chăm lo, hỗ trợ thu nhập cho giáo viên nhưng vẫn cần nối dài sự chăm lo đó để giúp các thầy, cô yên tâm công tác, có thêm điều kiện gắn bó lâu dài với nghề.

Tin cùng chuyên mục