Nhiều nỗ lực từ y tế cơ sở

Sau khi Báo SGGP đăng tải việc tiếp nhận thông tin, bài viết ghi nhận, phản ánh về những trường hợp F0 được chính quyền, lực lượng y tế cơ sở quan tâm chăm sóc, hết lòng cứu chữa và cả những trường hợp chưa được quan tâm chăm sóc đúng mức, bạn đọc tiếp tục phản ánh với báo qua Đường dây nóng về vấn đề này. Nổi bật là sự quan tâm, nỗ lực của tuyến y tế cơ sở trong quản lý, điều trị các F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà.
Y bác sĩ thăm khám cho một F0 tại phường 3, quận 8, TPHCM
Y bác sĩ thăm khám cho một F0 tại phường 3, quận 8, TPHCM

F0 được điều trị chu đáo

Anh Điểu Tỷ Huỳnh (ngụ TP Thủ Đức) bị nhiễm Covid-19 cách đây hơn nửa tháng. Trước đó một tuần, anh thực hiện test PCR nhưng âm tính. Sau đó, anh test nhanh định kỳ đến tuần thứ 2 thì có kết quả dương tính. Thời gian đầu không triệu chứng, anh Huỳnh được y tế phường Trường Thọ cấp gói thuốc A và tự cách ly tại nhà. Tuy nhiên, mấy ngày sau anh có dấu hiệu sốt, khó thở. “Khai báo tình trạng với y tế phường, rất nhanh chóng, họ có mặt để khám sàng lọc, cấp cho tôi túi thuốc C gồm 40 viên kháng virus, uống trong 5 ngày. Nhân viên y tế cũng căn dặn nếu dùng thuốc mà tình trạng không giảm hay có dấu hiệu nặng hơn thì liên hệ ngay để được đưa vào bệnh viện điều trị”, anh Huỳnh cho biết.

Anh Thái Ngọc Phú (ngụ quận Tân Bình), cũng dương tính khi thực hiện test nhanh, không có triệu chứng. Sau khi khai báo y tế phường 14, anh cũng được cấp túi thuốc A. “Nhân viên y tế tận tình hướng dẫn, động viên tôi ăn uống, ngủ nghỉ thật tốt để mau khỏi bệnh. Tôi thực hiện theo hướng dẫn, 3 ngày sau test lại đã âm tính”, anh Phú nói. Tương tự, tại phường 11 (quận Bình Thạnh), khi người dân tự test phát hiện dương tính thì thực hiện khai báo online lên hệ thống quản lý F0, hoặc khai báo qua Zalo của y tế phường. Nhân viên trực sẽ tiếp nhận thông tin, y tế phường sẽ xuống tận nơi để xét nghiệm sàng lọc những người tiếp xúc gần cũng như phát thuốc cho F0. Cử nhân điều dưỡng Đinh Nho Tài, Trưởng trạm Y tế phường 11 (quận Bình Thạnh), thông tin, hiện trạm y tế phường đáp ứng đủ gói thuốc A cho 100% người dân, gói C thì hạn chế nên phải cấp đúng đối tượng. Nhân lực toàn trạm có 6 nhân viên y tế, trạm lưu động có 2 bác sĩ quân y với 4 tình nguyện viên, phường có dân số đông nên cố gắng hết sức chăm lo cho F0. “Qua nắm bắt tình hình, hiện nay nhiều người dân khi phát hiện mình là F0 thì liên hệ không đúng cơ sở y tế trên địa bàn mình lưu trú, không đúng số điện thoại của y tế phường. Nhiều trường hợp là F0 nhưng không khai báo, đến khi có triệu chứng trở nặng thì họ mới khai báo với y tế”, anh Tài cho biết thêm.

Nỗ lực chăm sóc 

Bác sĩ Phạm Khắc Thành, Trưởng trạm Y tế phường 2 (quận Bình Thạnh), cho biết, phường hiện có rất nhiều F0 tự cách ly tại nhà, mỗi ngày có khi trạm nhận được hơn chục cuộc gọi thông báo dương tính với Covid-19. Về chăm sóc cho F0, sau khi tiếp nhận, nhân viên y tế phường sẽ xuống kiểm tra tình trạng, nếu ai không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ sẽ được cấp gói thuốc A. Sau khi khám sàng lọc, nhóm đối tượng có nguy cơ cao, bệnh nền sẽ được cấp gói thuốc C. Các trường hợp có diễn biến nặng hơn sẽ được đề nghị nhập viện. Bác sĩ Thành cũng chia sẻ thêm: “Toàn trạm tính luôn bác sĩ, nhân viên y tế chỉ có 5 người. Nhiều khi cùng một lúc phải tiếp nhận nhiều trường hợp F0 dẫn đến quá tải, các nhân viên phải thay nhau chạy đến nhà bệnh nhân nên có những trường hợp chậm kiểm tra”. 

Còn tại phường 4 (quận Phú Nhuận), khi tiếp nhận thông tin F0 tại cộng đồng, đội ngũ y tế phường sẽ đến xét nghiệm những người tiếp xúc gần để đánh giá tình hình dịch bệnh khu vực đó. Nếu F0 là người già, có bệnh nền, đối tượng nguy cơ cao thì lập tức phát gói thuốc C. Theo dược sĩ Nguyễn Tấn Tuấn Khánh, Phó trưởng Trạm y tế phường 4, hàng ngày trạm y tế lập danh sách các ca F0 mới gửi UBND phường. Sau đó sẽ tổ chức thành từng nhóm, chia nhau điện thoại hỏi thăm. Với trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng, y tế phường hàng ngày xuống đánh giá, xem xét để yêu cầu bệnh nhân nhập viện. 

Một lãnh đạo phường 11 (quận Bình Thạnh) chia sẻ, hiện nay các trường hợp F0 trên địa bàn phường 11 đã giảm nhiều so với trước. Song song với công tác tổ chức tiêm vaccine cho người dân, UBND phường kết hợp trạm y tế tổ chức thành nhóm chia nhau đi theo dõi, gọi điện, thăm khám các F0 cách ly tại nhà. Tuy nhiên lực lượng còn mỏng, nên nhiều lúc việc chăm sóc cho F0 còn gặp khó khăn. Thông tin về các ca F0 cách ly tại nhà trên địa bàn, ông Nguyễn Lê Hiệp, Chủ tịch UBND phường Hiệp Phú (TP Thủ Đức), cho biết, các F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà sẽ được cấp phát thuốc tùy theo tình trạng. Hiện tại, trên địa bàn có khoảng 300 ca F0 tự cách ly tại nhà, phường vẫn đảm bảo được các điều kiện chăm lo, thăm khám.

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Sở Y tế TPHCM, những F0 thiếu thuốc hoặc không được chăm sóc cần báo ngay về Sở Y tế, sở sẽ làm việc với từng xã, phường, thị trấn, quận huyện và TP Thủ Đức. 

TPHCM hiện có 382 trạm y tế lưu động, việc điều chuyển nhân lực thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Để công tác chống dịch được tốt nhất, cần thiết phải huy động lực lượng y tế tư nhân, hiện một số địa phương đã có phòng khám đa khoa đăng ký thành trạm y tế lưu động. Sở đã có tờ trình lãnh đạo TPHCM về đề án huy động bao gồm phòng khám, nhà thuốc... góp sức, giữ vững thành trì chống dịch và khôi phục lại mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” với khoảng 2.500 bác sĩ để hỗ trợ F0 cách ly, điều trị tại nhà.

Tin cùng chuyên mục