
Sau khi được nâng cấp, chỉnh trang, nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM khang trang và rộng rãi hơn, đây cũng là lý do để các chủ mặt bằng hai bên đường tăng giá cho thuê.
Khu vực trung tâm tăng giá 20%
Trên đường Nguyễn Huệ (quận 1), sau khi phố đi bộ chính thức đi vào hoạt động, giá cho thuê mặt bằng ở đây đã tăng khoảng 15 - 20% so với trước đây. Anh Nguyễn Văn Thái, khách thuê một cửa hàng có mặt tiền rộng 4m, dài 32m ở góc đường Lê Lợi giao với đường Nguyễn Huệ cho biết, đang bị chủ nhà đòi giá thuê mới. Trước đây, mặt bằng này được thuê 10.000 USD/tháng thì nay gia chủ ra giá 12.000 USD. Tức tăng thêm 20%”, anh Thái nói.
Trong vai người đi tìm thuê mặt bằng để kinh doanh, chúng tôi tiếp xúc với quản lý của tòa cao ốc văn phòng B.O trên đường Nguyễn Huệ và được biết, giá thuê mặt bằng 67m² ở lầu 6 hướng ra mặt đường Nguyễn Huệ là hơn 2.000 USD/tháng, một căn có diện tích 18m2 không hướng ra mặt tiền giá 600 USD/tháng. Cũng theo vị quản lý này, giá thuê này đã tăng 20% so với trước đây. Giá tăng cũng xuất phát từ thực tế, từ khi phố đi bộ hoạt động, khu vực này hứa hẹn sẽ là thiên đường mua sắm sầm uất, nên chủ đầu tư nào cũng tranh thủ cơ hội tăng giá. Tương tự, anh Đỗ Minh Luân, nhân viên điều hành tại Sun Wah Group cho biết, giá thuê hiện tại tòa nhà Sun Wah là 33 - 35 USD/m²/tháng. Giá này chưa tăng so với các tòa nhà khác, tuy nhiên theo lộ trình, đầu năm 2016, Sun Wah Group cũng sẽ điều chỉnh với mức tăng dự kiến khoảng 20%.

Sau khi phố đi bộ đưa vào hoạt động, giá thuê mặt bằng ở hai bên đường Nguyễn Huệ đã tăng 20%.
Không chỉ khu vực đất vàng trung tâm TP, tại tuyến đường Tân Hóa - Lò Gốm, quận Tân Phú, giá cho thuê mặt bằng cũng như thuê trọ cũng đang rục rịch tăng từ 10% - 15%. Chị Lê Thị Nghĩa cho biết, phòng trọ chị đang thuê có diện tích 32m², trước đây thuê 2,2 triệu đồng/tháng, bây giờ chủ nhà đòi tăng lên 2,8 triệu đồng/tháng. Chị Nghĩa cho biết thêm, nhiều chủ nhà trọ ở khu vực này đều đồng loạt tăng giá bởi lý do đường phố đã khang trang, đi lại thuận tiện hơn.
Lần theo số điện thoại dán trên bảng cho thuê mặt bằng ở địa chỉ 369/1 đường Tân Hóa - Lò Gốm, chúng tôi tỏ ý muốn thuê mặt bằng rộng 4m, dài 15m này, chủ nhà báo giá 13,5 triệu/tháng. Thắc mắc giá cao, vị này cho biết, bây giờ đường phố rộng rãi, giao thông thuận tiện, điều kiện kinh doanh tốt thì giá phải tăng cao thôi. Trước đó khoảng 2 tháng, anh cho thuê chỉ 9,5 triệu/ tháng.
Bán buôn vẫn ế ẩm
Điều đáng nói ở đây, giá thuê mặt bằng ngày một tăng nhưng việc kinh doanh buôn bán vẫn ảm đạm. Có mặt tại tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng gần đường Nguyễn Huệ những ngày cuối tuần, cảnh buôn bán, kinh doanh tại đây hầu như vắng lặng; người bán ngồi ngóng ra đường, còn người mua chỉ lác đác. Suốt một đoạn đường dài nhiều hộ kinh doanh ngồi nhìn nhau và than vắn thở dài khi chào mời khách đi ngang qua. Tiếp xúc với một chủ cửa hàng kinh doanh hàng điện tử tại phố Nguyễn Huệ, được biết trong quá trình dự án phố đi bộ thi công, hàng tháng ông vẫn phải tốn trên 20 triệu đồng tiền thuê 16m². Trong nhiều tháng liền, do vướng một “rừng” rào chắn, cửa hàng hầu như đóng cửa vì không có lối ra vào. Tuy nhiên, chỉ sau khi phố Nguyễn Huệ được khánh thành đúng 1 tuần, chủ nhà đã gửi thông báo đòi tăng tiền nhà lên thêm 10 triệu đồng/tháng. Giờ chưa lấy lại sức kinh doanh thì tiền thuê mặt bằng lại tăng. Ông than vãn, chưa biết rồi sẽ cầm cự ra sao.
Theo anh Lê Hùng, chủ tiệm kinh doanh máy ảnh trên đường Nguyễn Huệ, bình thường cửa hàng của anh đón khoảng 300 khách/ngày đến xem sản phẩm và lượng mua hàng rất cao. Nhưng 3 tuần nay, dù đã có phố đi bộ, nhưng 1 ngày cũng chưa được 50 người đến xem. Có thể do thời tiết nắng nóng, nhưng nhiều khách hàng cho biết họ rất ái ngại khi đến khu vực này vì rất bất tiện khi phải gửi xe từ xa để vào mua hàng. Chị Hạnh, chủ tiệm kinh doanh vàng bạc cũng cho biết, kinh doanh đang gặp khó, khách ít, thua lỗ và mới đây chủ nhà lại lên tiếng tăng giá cho thuê mặt bằng thêm 10 triệu đồng/tháng (trước đây thuê giá 40 triệu đồng/tháng). Chị Hạnh cho biết thêm, đành rằng xây dựng phố đi bộ giúp TPHCM thu hút nhiều khách du lịch, cải tạo bộ mặt đô thị ngày càng hiện đại hơn, nhưng thiết nghĩ một công trình lớn như vậy rất cần phải có các hạng mục hỗ trợ như bãi đậu xe, giữ xe kèm theo để thuận tiện cho khách tham quan. Một số hộ kinh doanh cũng tính đến phương án tạm dời đi nơi khác buôn bán vì mãi lực thấp trong khi phí thuê mặt bằng đang tăng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lương Thanh Hưng, Trưởng phòng Sàn giao dịch bất động sản Hưng Phát, quận Tân Bình nhận định, việc tăng giá này cũng là quy luật tự nhiên. Cứ nơi nào được nâng cấp cơ sở hạ tầng, đường phố rộng rãi, giao thông thuận tiện thì việc tăng giá là hiển nhiên, vì ai cũng muốn tranh thủ đầu tư để kinh doanh và đây là điều kiện để các chủ mặt bằng lấy cớ tăng giá. Tuy nhiên, với mức tăng 20% có lẽ hơi cao so với thời điểm bây giờ. Tình trạng đẩy giá thuê lên cao vì phố đi bộ trên đường Nguyễn Huệ đang là sự kiện nóng và nhiều người muốn mở cửa hàng tại đây. Với mức giá này, chỉ người đi thuê chịu thiệt bởi vị thế của quảng trường này hiện “độc nhất vô nhị”.
MINH HẢI