Nhiều thuận lợi từ tống đạt điện tử

Tống đạt, thông báo văn bản tố tụng thông qua phương tiện điện tử trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính đang được xem là một giải pháp cải cách thủ tục hành chính tư pháp hiệu quả của TAND hai cấp ở TPHCM. Triển khai thí điểm thời gian qua, TAND TPHCM đánh giá phương thức tống đạt mới này nhận được phản hồi tích cực của người dân, chuyên gia, đương sự.

Một phiên tòa xét xử tranh chấp kinh doanh thương mại tại TAND TPHCM vào ngày 13-12-2023
Một phiên tòa xét xử tranh chấp kinh doanh thương mại tại TAND TPHCM vào ngày 13-12-2023

Góp phần đảm bảo thời hạn xử án

Thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của tòa án được hiểu đơn giản là việc tòa án giao cho những người tham gia tố tụng văn bản tố tụng để họ biết và thực hiện. Nhưng thực tế, để việc thực hiện thủ tục này đảm bảo đúng các quy định về tố tụng lại không đơn giản, vì nhiều lý do như địa giới hành chính, khoảng cách địa lý, số vụ việc phải tống đạt trên địa bàn TPHCM rất lớn (trung bình mỗi năm thụ lý trên 20.000 vụ án dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh doanh
thương mại, lao động)…

Mặt khác, nhiều đương sự là bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thường né tránh, không tham gia tố tụng nên việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho các đương sự này càng khó khăn. Vì vậy, TAND TPHCM đã thí điểm phương thức tống đạt, thông báo văn bản tố tụng thông qua phương tiện điện tử trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính (gọi tắt là tống đạt điện tử).

Ngày 4-10, TAND TPHCM thụ lý vụ án kinh doanh thương mại phúc thẩm về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” giữa 2 công ty. Ngày 26-10, TAND TPHCM ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử. Ngày 21-11, TAND TPHCM mở phiên tòa, đảm bảo thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 286 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Đáng chú ý, trong suốt quá trình giải quyết vụ án, các văn bản tố tụng đều được tống đạt bằng phương thức điện tử. Việc này đã giúp vụ án được giải quyết đảm bảo thời hạn quy định, nhận được sự phản hồi tích cực của các đương sự.

Bởi lẽ trong vụ án này, nguyên đơn có địa chỉ tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Phương thức tống đạt điện tử đã giúp nguyên đơn nắm được kịp thời, đầy đủ các tiến trình tố tụng trong vụ án, góp phần đảm bảo thời hạn xử lý vụ án.

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Chánh án TAND TPHCM, từ ngày 1-6 đến ngày 30-9, TAND TPHCM đã thực hiện 460 lần gửi, tống đạt các văn bản tố tụng bằng phương thức điện tử. Hầu hết các đơn khởi kiện nộp từ thời điểm bắt đầu triển khai thí điểm, người dân đều đồng ý cung cấp số điện thoại, địa chỉ hộp thư điện tử và lựa chọn tống đạt qua phương tiện điện tử.

Tiết kiệm ngân sách

Trước những kết quả khả quan của việc thí điểm, Phó Chánh án TAND TPHCM Nguyễn Thị Thùy Dung cho biết, phương thức tống đạt điện tử nếu được triển khai rộng rãi tại TAND hai cấp TPHCM thì sẽ giảm thời gian đi lại cho cá nhân, tổ
chức và tiết kiệm được ngân sách nhà nước rất lớn.

Để phương thức này được hoàn thiện, TAND TPHCM đã báo cáo TAND tối cao, qua đó kiến nghị sửa đổi hoặc ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn về tống đạt bằng phương tiện điện tử, trên cơ
sở bổ sung những nội dung mới của Luật Giao dịch điện tử năm 2023.

Về kết quả tống đạt bằng phương tiện điện tử, trường hợp TAND TPHCM đã tống đạt hợp lệ bằng phương tiện điện tử mà đương sự vắng mặt 2 lần thì thẩm phán hoặc hội đồng xét xử được thực hiện các hoạt động tố tụng tiếp theo. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác hành chính tư pháp, TAND TPHCM đã đưa vào sử dụng phần mềm “Theo dõi án tạm đình chỉ” và “Quản lý số liệu hòa giải đối thoại tại tòa án”. Những phần mềm này đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ công tác quản lý nghiệp vụ tại TAND TPHCM. Hiện TAND TPHCM đang triển khai chuyển giao phần mềm “Quản lý số liệu hòa giải đối thoại tại tòa án” cho TAND quận, huyện có yêu cầu, trên cơ sở điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế mỗi đơn vị.

Có thể thấy, đẩy mạnh chuyển đổi số đang giúp công tác hành chính tư pháp trở nên thuận tiện, hiện đại, đảm bảo tính công khai, minh bạch các hoạt động của tòa án.

Băn khoăn về khả năng tiếp nhận công nghệ

Theo tiến sĩ Lê Viết Sơn (Trường Đại học Luật TPHCM), sự hiểu biết pháp luật, điều kiện và khả năng tiếp cận công nghệ của người khởi kiện trong các vụ án hành chính là một thách thức lớn trong việc tống đạt điện tử. Phần lớn các khiếu kiện hành chính được xét xử tại tòa án là các khiếu kiện về quản lý đất đai. Trước khi xét xử tại tòa án, các vụ việc này đã trải qua quá trình khiếu nại kéo dài. Trong nhiều vụ án hành chính, người khởi kiện đã lớn tuổi, vì vậy áp dụng việc gửi, nhận đơn kiện, tài liệu chứng cứ hay cấp, tống đạt các văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử đối với các chủ thể này gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, đối với điều kiện: người khởi kiện, người tham gia tố tụng phải “Có chữ ký điện tử được chứng thực bằng chứng thư điện tử đang còn hiệu lực do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, công nhận” cần phải được thay đổi bằng một phương thức xác nhận định danh khác thuận lợi hơn. Chẳng hạn như việc xác nhận bằng mã xác thực OTP của TAND TPHCM đang thí điểm có thể xem là một giải pháp hữu hiệu.

Tin cùng chuyên mục