Tham dự có đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh thành trong cả nước và đại diện các tôn giáo là thành viên Ban chỉ đạo.
Báo cáo của Ban chỉ đạo nêu rõ, ở cấp Trung ương đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các chuyên gia độc lập thuộc tổ chức Bắc Âu khảo sát, đánh giá nhu cầu, khả năng đáp ứng của các tôn giáo trong việc tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; lồng ghép các nội dung hoạt động vào Chương trình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” và hỗ trợ 14 tôn giáo tại các địa phương xây dựng mô hình điểm về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ở cấp địa phương, các tổ chức tôn giáo đã chủ động triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường trong các khu dân cư, vùng đồng bào có đạo; tuyên truyền, hướng dẫn chức sắc, tín đồ có ý thức bảo vệ môi trường và tham gia các phong trào, cuộc vận động như: “Tháng hành động vì môi trường”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Khu dân cư, giáo xứ, họ đạo, cộng đồng, cơ sở thờ tự “Sáng – xanh – sạch – đẹp”, “Khu dân cư bảo vệ môi trường”…
Tại hội nghị, nhiều ý kiến phát biểu của đại diện các tôn giáo khẳng định vai trò, ý nghĩa và kết quả trên các mặt hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là hết sức quan trọng, phù hợp với giáo lý, đặc điểm tôn giáo, mục tiêu tham gia hoạt động cộng đồng mà từng tôn giáo đặt ra và được đại đa số chức sắc, tín đồ đồng tình hưởng ứng.
Hội nghị thống nhất với 5 mục tiêu nhiệm vụ mà Ban chỉ đạo đặt ra cho năm 2018. Trong đó, triển khai mạnh mẽ các mô hình về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng đồng bào có đạo, tăng cường phối hợp giữa các địa phương, các tôn giáo, các khu dân cư, các vùng đồng bào có đạo về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; kịp thời biểu dương những nhân tố mới, những mô hình hay, phương pháp tuyên truyền hiệu quả đến cộng đồng ý thức bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.