Nhớ lắm, nhà báo Thái Bằng!

Mấy ngày nay, nhận được hung tin anh Vũ Thái Bằng - nhà báo, công tác tại Báo SGGP - mất vì cơn bạo bệnh ở tuổi 61, các đồng nghiệp, bạn bè đã bày tỏ niềm tiếc thương anh, những dòng cảm xúc của bạn bè, đồng nghiệp ngày càng xuất hiện nhiều trên báo, trên nhiều trang Facebook cá nhân. 
Phóng viên ảnh Thái Bằng tác nghiệp năm 1999
Phóng viên ảnh Thái Bằng tác nghiệp năm 1999

Hôm nay 6-1, gia đình chính thức tổ chức lễ tang anh, xin ghi lại đôi dòng của một số đồng nghiệp cùng công tác tại cơ quan - nơi nhà báo Thái Bằng đã gắn bó hai phần ba cuộc đời.

Nhà thơ Vũ Ân Thy, Nguyên Trưởng ban Văn hóa - Văn nghệ Báo SGGP: Những chuyến đi có Thái Bằng

Có lần chúng tôi được phân công tổ chức chụp ảnh bìa báo Xuân, địa điểm chọn là ở miền Tây. Trên xe, Thái Bằng nói: “Phi thương bất phú. Phi huê bất xuân. Phi nữ bất mỹ. Ảnh báo xuân phải có hoa, có thiếu nữ”. Đến cầu Mỹ Thuận, Thái Bằng kéo chúng tôi lội bộ hết tả sang hữu hai đầu cầu chọn cảnh nhịp cầu và rồi anh chạy tới chạy lui nhờ các người đẹp miền Tây đứng tạo dáng, cười tươi để chụp. Xem Thái Bằng chọn cảnh, chọn người đẹp, chúng tôi bóp bụng cười chảy nước mắt. Không diễn hài nhưng điệu bộ của Thái Bằng luôn khiến chúng tôi cảm mến và đỡ mệt trong những chuyến đi công tác với anh. 

Thái Bằng ít nói và đã nói là gây cười cho người khác. Anh luôn nén những nỗi buồn riêng, sống vui vẻ, chan hòa với mọi người. Khi tác nghiệp thì anh tỏ ra nghiêm túc, ngay ngắn. Ảnh của Thái Bằng không hoa mỹ nhưng dễ hiểu và trong sáng. Ảnh Thái Bằng giàu chất thông tấn như nghề anh đeo đuổi và đam mê.

Quốc Anh, Biên tập viên Báo SGGP: Một tấm gương sáng trong nghề báo

Anh Thái Bằng là tay máy kỳ cựu trong lĩnh vực chính trị - xã hội của Báo SGGP từ những năm đầu giải phóng. Gần 40 năm trong nghề, những sự kiện nóng, thời sự của TPHCM và các tỉnh thành phía Nam, thậm chí có liên quan đến quốc tế, anh đều là người đầu tiên được ban biên tập nghĩ đến trao trọng trách thực hiện. Và suốt một thời gian dài gắn bó với Báo SGGP, anh luôn hoàn thành các nhiệm vụ đó một cách xuất sắc.

Sau này dù tuổi đã cao, ngoài nhiệm vụ được phân công là tổ trưởng phụ trách ảnh Báo SGGP, anh còn cáng đáng những công việc khó nếu anh em phóng viên khác không làm được. Đôi khi có việc, chỉ cần một cú điện thoại phân công từ ban biên tập, là anh xách túi máy ảnh ra hiện trường dù đêm tối, xa xôi, công việc khó khăn. Công việc đôi khi hiểm nguy, anh cũng không lo ngại. Những chuyến đi xa phản ánh tình hình bão lũ ở miền Trung, đi vùng cao Tây Bắc hay đi tận cuối mũi Cà Mau, những vùng biển cực Nam Tổ quốc... anh đều tham gia dù tuổi đã gần về hưu. Nơi anh đi qua, ngoài những bức ảnh quý giá nóng bỏng thời sự, đậm chất nghệ thuật cao, còn lắng đọng trong lòng bạn bè, người dân… một nhà báo vui vẻ, dễ chịu, hòa đồng, chịu lăn xả.

Sống một đời bình dị, trừ những lúc máu lửa với nghề, bận bịu với công việc nhà báo, sáng nào rảnh anh cũng đi chợ, về nấu cơm cho hai con trai đang tuổi ăn, tuổi lớn. Đến khi hai cháu đã trưởng thành, tốt nghiệp đại học đi làm, anh vẫn là người cha tận tụy.

Đỗ Việt Dũng Phóng viên ảnh Báo SGGP: Người “xe duyên” tôi với mảng ảnh Chính trị - Ngoại giao

Hơn 20 năm trước, tôi vào Báo SGGP thử việc ở Tòa soạn SGGP Thể thao. Thời gian đó, thỉnh thoảng được gặp anh Thái Bằng trong dịp họp nghiệp vụ hay ở căn tin cơ quan... Lúc nào cũng thấy ở anh nụ cười hiền hậu, tính tình vui vẻ, hòa đồng. Thế rồi cơ duyên đến với tôi khi Báo SGGP cần phóng viên ảnh cho lĩnh vực chính trị - ngoại giao, anh Thái Bằng đã đề xuất tổng biên tập chuyển tôi sang làm mảng chính trị. Trước lĩnh vực mới mẻ, nhiều bỡ ngỡ, với tôi thật áp lực. Nhưng dưới sự chỉ bảo tận tình của anh, tôi đã lĩnh hội và từng bước “cảm” được công việc được giao. Sau mỗi sự kiện, anh phân tích kỹ từng góc máy, ý tứ thể hiện khi chụp lãnh đạo, cách thể hiện cho phù hợp tiêu chí của Báo SGGP... Cách chỉ bảo của anh thể hiện sự chân tình của người anh, kiến thức của người thầy! Anh ra đi đột ngột, những kỷ niệm về anh lại ùa về, mới như ngày hôm qua.

Nguyễn Khắc Văn, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo SGGP: Ông anh trân quý

Anh Thái Bằng từng kể rằng ngay từ nhỏ, mở mắt ra là anh gặp cái ống kính máy ảnh, bởi cha anh làm nghề chụp ảnh, quay phim. Vì vậy, mặc dù được gia đình “đầu tư” cho học những ngôi trường danh tiếng như Lasan Taberd (nay là Trường chuyên Trần Đại Nghĩa), Petrus Ký (nay là Trường chuyên Lê Hồng Phong) để sau này thành kỹ sư, bác sĩ, nhưng anh chọn nghề ảnh. Học hết Tú tài, anh Thái Bằng đi bộ đội chiến trường Tây Nam, ở mặt trận 479, vừa làm anh nuôi, vừa chụp ảnh. Giải ngũ, anh về đầu quân cho Báo SGGP với cái máy cũ kỹ Praktica LTL của cha cùng những kiến thức, kỹ năng chụp ảnh, phòng tối, cắt cúp, biên tập ảnh… cũng do cha anh truyền lại.

Sự nghiệp làm báo của phóng viên ảnh Thái Bằng là những sự kiện thời sự được ghi vào ống kính về đời sống chính trị - kinh tế - xã hội sinh động của TPHCM suốt từ thời bao cấp đến thời kỳ đổi mới, đặc biệt là ở “đêm trước đổi mới”, trong đó có những bức ảnh không phải phóng viên nào cũng có được, như những tấm ảnh các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười… đi tìm hiểu thực tế tại các cơ sở hoạt động kinh tế ở TPHCM, để từ đó xóa bỏ xiềng xích bao cấp, cho ra đường lối đổi mới, tiến hành công cuộc đổi mới, mang lại những thành tựu to lớn mà đất nước có được ngày hôm nay. Sự nghiệp làm báo của biên tập viên Thái Bằng còn là những tấm ảnh của đồng nghiệp được anh biên tập, trau chuốt từng đêm để sớm mai được in trên mặt báo phục vụ độc giả.

Là thế hệ đàn anh, khi chúng tôi mới vào nghề thì nhà báo Thái Bằng đã có tiếng tăm trong làng báo, nhưng anh luôn khiêm tốn, gần gũi, sống chan hòa với anh em. Anh là người anh trân quý của tòa soạn. Còn nhớ những ngày này năm ngoái, anh xin nghỉ phép đi Tây Ninh, Củ Chi để họp mặt với các đồng đội ở đơn vị cũ. Nếu cơn bệnh quái ác không ập đến với anh, thì chắc chắn hôm nay anh đang cùng đồng đội lại có những buổi họp mặt rôm rả, hân hoan mừng kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, trong đó có phần đóng góp của các anh...

Tin cùng chuyên mục