
Tôi vào lính, làm liên lạc cho giải phóng quân lúc còn nhỏ tuổi, cách nay trên 65 năm. Lúc đó quân đội ta chưa có phiên hiệu trung đoàn, đại đoàn gì, mà chỉ có các chi đội. Ở Huế, một chi đội ra đời vào tháng 9-1945, gọi là chi đội Trần Cao Vân.
Ở chi đội này, tôi cùng một lũ nhóc được phân công vào các đội trinh sát, tình báo, đặc vụ quân sự, làm liên lạc cho các đơn vị giải phóng quân bao vây quân Pháp đóng ở bờ Nam sông Hương. Tôi nhớ đội trinh sát tình báo lúc đó có những chú bé bằng tuổi tôi, nhỏ hơn, hoặc lớn hơn tôi một vài tuổi như Ngô Du, Nguyễn Thường, Bửu Hồng Kỳ, Nguyễn Cửu Thọ, Phùng Quán, Hồng Nhu… Hình ảnh lũ chúng tôi thời ấy đã vào trong thơ Tố Hữu: Chú bé loắt choắt/Cái xắc xinh xinh/Cái chân thoăn thoắt/Cái đầu nghênh nghênh/Ca lô đội lệch/Mồm huýt sáo vang/Như con chim chích/Nhảy trên đường làng… Vượt qua mặt trận/Đạn bay vèo vèo/Thư đề “Thượng khẩn”/Sợ chi hiểm nghèo…

Minh họa: A.Dũng
Sau đó, quân ta đã có đến cấp tiểu đoàn và đổi tên các chi đội là Vệ quốc quân hoặc Vệ quốc đoàn.
Chúng tôi đã cùng các anh, các chị đánh giặc. Được bộ đội và nhân dân rất yêu quý, gọi thân mật những cậu lính nhóc là Vệ út, con cháu của đồng bào và em út của chiến sĩ Vệ quốc quân. Những đứa em út trong quân đội ta lúc bấy giờ đã sát cánh cùng anh chị, cha ông dũng cảm chiến đấu, không sợ gian khổ hy sinh, có nhiều Vệ út đã khiến lũ giặc khiếp sợ. Trong nhật ký của tên Trung tá Costes, chỉ huy quân Pháp ở mặt trận Huế có đoạn viết về các Vệ út như sau: “… Binh lính Pháp đã hoang mang nhìn thấy những con đàn bà Việt Minh tay vung lựu đạn, tay cầm đại đao xông vào làm tán loạn hàng ngũ chúng tôi. Lại còn sợ nhất là lũ Việt Minh nhãi ranh chừng hơn mười tuổi bò theo ống máng, theo cây to và cột điện trèo lên mái nhà, dỡ ngói thả lựu đạn xuống gây thương vong không ít cho quân Pháp”…
Nhiều tấm gương mưu trí dũng cảm của Vệ út không thể kể hết. Những năm đó, đồng bào Bình Trị Thiên còn nhớ hình ảnh Lê Bồng trong trận đánh vào đồn Đất Đỏ. Nhằm lúc địch bắn trả dữ dội, quân ta bị chặn lại trước hàng rào thì Bồng đã len lỏi vào sâu giữa sân đồn, trèo lên cột cờ, giật lá cờ Pháp vứt xuống và treo lá cờ đỏ sao vàng lên. Thấy cờ ta đã xuất hiện trên đỉnh cột cờ Pháp, bộ đội được khích lệ ào ạt xông lên tiêu diệt đồn Đất Đỏ.
Ngày vỡ mặt trận Huế, quân ta rút lên chiến khu. Các đội trinh sát, tình báo của Vệ út ở chiến khu cũng là nguồn động viên cho người lớn. Trong hồi ký, đại tá Hà Văn Lâu viết: “Ở chiến khu vô cùng gian khổ, đói khát, bệnh tật. Các em thiếu nhi của trung đoàn bị sốt rét, ghẻ lở đầy người nhưng cần liên lạc dẫn đường cho đơn vị trở về đồng bằng chiến đấu là các em xung phong đi ngay”.
Ở chiến khu Hòa Mỹ, chiến đấu ở Thừa Thiên một thời gian thì một số Vệ út được bổ sung cho Trung đoàn 95, tham gia đánh Pháp ở Quảng Trị. Ngày 10-11-1948, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký quyết định thành lập Trường Thiếu sinh quân khắp toàn quân. Thiếu sinh quân khu 10, liên khu 4, liên khu 5 được thành lập. Tôi cùng các Vệ út ở Bình Trị Thiên được ra Thanh Hóa, học ba năm liền ở Trường Thiếu sinh quân Liên khu 4. Cuộc chiến đấu chống Pháp bước sang giai đoạn chuẩn bị tổng phản công. Các trường thiếu sinh quân khắp toàn quân giải thể, các Vệ út nay đã lớn lên, được bổ sung đi khắp các chiến trường trên bán đảo Đông Dương. Các Vệ út trưởng thành đã dũng cảm chiến đấu, nhiều người đã ngã xuống trên đất Lào, Campuchia và khắp trên đất nước Việt Nam ở chiến trường Đông, Tây Nam bộ, khu 5, khu 6, khu 4, khu 3, Điện Biên Phủ…
Những Vệ út ngày xưa có người còn sống nhưng nhiều người đã qua đời trong chiến đấu hay bệnh tật, tuổi già. Nhân kỷ niệm 67 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, tôi ước mong Bộ Quốc phòng tổ chức một cuộc họp mặt gồm những Vệ út còn sống sót từ 1945 cho đến bây giờ. Tôi nghĩ, cuộc gặp gỡ đồng đội cũ đó sẽ rất thú vị. Mỗi Vệ út viết một bài ký ức về đời lính của mình, đó sẽ là những tài liệu quý góp phần vào kho truyền thống lịch sử của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Trần Công Tấn