
Trở thành hiện tượng tại cuộc thi Cười xuyên Việt - Tiếu lâm hội, đặc biệt với clip triệu lượt xem Bến vắng, X-Pro được coi là nhân tố mới của làng hài bởi sự duyên dáng và tiếng cười nhân văn trong từng tiểu phẩm. Sau cuộc thi, dù còn nhiều trăn trở và khó khăn chồng chất nhưng nhóm vẫn kịp cho ra mắt sân khấu riêng với ý niệm: Có nơi để cho anh em thỏa đam mê với nghề.

Sau hơn 2 tháng đăng tải, tiểu phẩm Bến vắng của X-Pro trên trang YouTube hiện đạt gần 12 triệu lượt người xem, hơn 43.000 lượt thích cùng hơn 7.000 lượt bình luận. Điều này được xem là hiện tượng bởi ngay với nhiều sản phẩm của các danh hài, con số này cũng rất đáng mơ ước. Một số tiểu phẩm khác của nhóm trong cuộc thi cũng đạt lượng người xem ấn tượng: Nối lại tình xưa (hơn 5 triệu lượt xem), Chuyên gia bắt ma (gần 3 triệu lượt xem), Người dẫn điện (gần 2 triệu lượt xem)... “Chúng tôi không dám nhận mình đã thành công hay nổi tiếng mà cảm thấy may mắn, vì qua từng vòng thi được học hỏi nhiều từ ban giám khảo và khán giả. Điều đó giúp chúng tôi trưởng thành hơn từng ngày và làm bước đệm vững chắc để phát triển các công việc khác của mình tương đối dễ dàng”, Hữu Tín, trưởng nhóm X-Pro, chia sẻ.
X-Pro được thành lập vào tháng 7-2015 với khởi đầu rất thuận lợi, đó là cả 7 thành viên trong nhóm đều có kinh nghiệm diễn xuất tại các sân khấu kịch Hồng Vân, Idecaf, 5B. Ngoài đời, họ chơi với nhau cũng đã lâu, do vậy khi kết hợp làm nhóm thì hiểu nhau hơn, có mâu thuẫn cũng nhanh chóng giải quyết. Cái tên X-Pro được Hữu Tín giải thích là “nhân tố bí ẩn (X) nhưng rất chuyên nghiệp (Pro là viết tắt của Professional, trong tiếng Anh là chuyên nghiệp)”. “Chúng tôi lập nhóm vì ở thời điểm đó sân khấu ít suất diễn, diễn ở các quán kịch cà phê vừa có thêm thu nhập, vừa trau dồi kỹ năng và niềm đam mê”.
Thừa nhận thi cử đồng nghĩa với việc có nhiều áp lực nhưng nhóm xác định đã đi thi thì phải hết mình. Bởi vậy, khi nhận được nhiều tình cảm yêu thương của khán giả, cả nhóm rất bất ngờ và vui vì điều đó. Niềm vui khi Bến vắng được đón nhận và được xem là hiện tượng khiến các thành viên tự nhủ đó là áp lực, phải làm cái gì đó hay hơn, không phụ lòng của khán giả. Cũng bởi vậy, nhóm tự đặt ra nguyên tắc không được dễ dãi với chính mình và luôn phấn đấu để có tiểu phẩm hay.
Ngay sau khi rời Cười xuyên Việt với ngôi vị quán quân, X-Pro giới thiệu đến công chúng mái nhà riêng của mình. Sau một thời gian lựa chọn mặt bằng, nhóm quyết định dừng chân tại cà phê Ikoi (26/6A Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1), được chủ quán hết sức ủng hộ và sân khấu ra đời trong sự chào đón nồng nhiệt của khán giả. Suất diễn đầu tiên - vở Bí ẩn ngăn kéo số 7, khán phòng 150 ghế nhưng có đến 180 khán giả, nhiều người chấp nhận ngồi ghế phụ nhưng vẫn vui vẻ. Hiện tại, nhóm đang cố gắng ổn định để có thể có suất diễn đều đặn hàng tuần.
Thừa nhận “chỉ có đam mê mới làm nên chuyện và luôn cố gắng theo nghề một cách nghiêm túc chứ không hời hợt, làm cho có”, X-Pro cho hay họ sẽ chú trọng nhiều đến hài kịch - vốn là thế mạnh của mình. Tuy nhiên, Hữu Tín khẳng định: “Mỗi kịch bản đều có sự đầu tư, có chủ đề và sự nhân văn với các thông điệp ý nghĩa. Khán giả sẽ có được tiếng cười nhẹ nhàng xuất phát từ các tình huống kịch chứ không phải từ lời thoại, chi tiết tục tĩu. Chúng tôi xác định sẽ làm cho khán giả cười đủ và đã, đồng thời luôn cố gắng cập nhật xem họ thích gì để có thể phục vụ tốt nhất, bởi xét cho cùng nếu không phục vụ thị hiếu khán giả thì làm gì có ai xem”.
Trong thời buổi sân khấu đang gặp muôn vàn khó khăn như hiện nay, X-Pro tâm niệm, phải thực sự yêu nghề mới có thể làm lâu dài. Đó là lý do 7 chàng trai trong nhóm phải theo làm nhiều nghề khác nhau để duy trì niềm đam mê với sân khấu: lồng tiếng phim, đạo diễn các vở kịch cho các trường học, làm trợ lý sân khấu... nhằm “lấy ngắn nuôi dài”.
VĂN TUẤN