Lý giải thực tế trên, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết, sự tăng trưởng kinh tế ổn định đã làm tăng mức thu nhập bình quân đầu người và tạo nền tảng cho sự tăng trưởng bùng nổ của ngành thực phẩm. Cùng với đó, xu hướng tiêu dùng của người dân đang dịch chuyển từ ăn ngon mặc đẹp, sang tiêu dùng an toàn và mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt là an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe.
Thế nhưng, so với nhu cầu tiêu dùng của người dân về sản phẩm sạch tăng cao thì nguồn cung ứng sản phẩm sạch hiện còn rất hạn chế. Đây là cơ hội để doanh nghiệp trong ngành chế biến lương thực thực phẩm đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới; đặc biệt là phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Hiện Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách và cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình phát triển loại hình nông nghiệp sạch này. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, ngoài những chính sách hỗ trợ vốn, công nghệ, các cơ quan chức năng liên quan cần tính đến giải pháp hỗ trợ phát triển hạ tầng hệ thống phân phối sản phẩm sạch. Có thể nói, chỉ có 40% sản phẩm được phân phối thông qua kênh hiện đại. Còn có đến 60% sản phẩm được phân phối qua kênh truyền thống. Trong khi đó, kênh phân phối truyền thống không đủ các điều kiện hạ tầng cần thiết đúng tiêu chuẩn để bảo quản và phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp muốn mở rộng thị phần cách nào cũng rất khó.