Như một lời tri ân đồng đội

Trở về sau những năm tháng vất vả, hy sinh tại các chiến trường, những cựu chiến binh tại TPHCM vẫn giữ trọn niềm tin với Đảng, thủy chung, gắn bó với đồng đội và giúp nhau phát triển kinh tế, chăm lo người nghèo khó, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Vườn lan nghĩa tình

“Chị Chung có nhà không?”. “Có đấy, mời anh vào nhà”. Vừa nói, bà Chung vừa tất tả chạy ra mở cửa đón người đồng đội Nguyễn Văn Be, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh (CCB) khu phố 7, phường Hiệp Thành (quận 12).

“Nhờ anh chuyển giúp hơn chục phần quà đến các hoàn cảnh khó khăn trong phường, thứ năm này tôi về Nghệ An thăm anh em thương binh rồi”. Đón những phần quà nghĩa tình từ tay chị Chung, anh Be nghẹn lời nói: “Năm nay, anh Bình khá hơn rồi, nói lại với chị nhường phần quà cho anh em khác”. “Nhờ anh chuyển hộ anh em. Tết tôi lại gửi nữa”.

Cứ vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12 và Tết cổ truyền dân tộc, nữ CCB Nguyễn Thị Kim Chung lại gói ghém vài trăm phần quà gửi tặng các gia đình chính sách, hộ nghèo, hội viên CCB khó khăn trong phường, quận và nhiều địa phương khác trong cả nước. Mỗi phần quà từ 300.000 - 400.000 đồng, kinh phí thực hiện được bà Chung tích cóp từ thu nhập của vườn lan gần 3.000m2.

Như một lời tri ân đồng đội ảnh 1 Bà Nguyễn Thị Kim Chung thăm, tặng quà các thương binh tại Nghệ An

Bà kể: “Lúc đầu tôi trồng cây cảnh, sau chuyển qua trồng lan theo phương pháp cấy ghép. Được Hội Nông dân thành phố hướng dẫn kỹ thuật và giới thiệu vay vốn ngân hàng, tôi mạnh dạn đầu tư phủ kín diện tích. Số lao động hiện hơn 60 người, chủ yếu là con em CCB trong phường và các hộ nghèo. Lợi nhuận từ cây lan mỗi năm hàng trăm triệu đồng, trừ các khoản đầu tư, chi phí, còn lại tôi dành hết cho các hoạt động từ thiện, chăm lo anh em thương bệnh binh, hộ nghèo, CCB hoàn cảnh khó khăn”.

Vườn lan của bà Nguyễn Thị Kim Chung từ lâu được người dân khắp vùng trìu mến gọi là “vườn lan nghĩa tình”. Hàng ngàn phần quà, suất học bổng từ vườn lan này đã được chuyển đến những gia đình chính sách, thương binh, hộ nghèo, CCB hoàn cảnh khó khăn khắp các địa phương trong cả nước.

Vươn lên từ vùng đất thép      

Năm 1982, trở về từ chiến trường Campuchia, thương binh Nguyễn Phan Tâm chọn vùng đất Phước Vĩnh An (huyện Củ Chi) lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Xoay trở đủ nghề, từ làm thuê, chăn nuôi đến buôn bán tro dừa, lá dừa. Sau nhiều lần “trắng tay” vì thiếu kiến thức chăn nuôi và dịch bệnh, không bỏ cuộc, ông Tâm mạnh dạn liên kết với các chuyên gia nông nghiệp Trường Đại học Nông Lâm TPHCM thực hiện mô hình chăn nuôi an toàn, cộng với kỹ thuật lai tạo, bảo đảm các điều kiện vệ sinh chuồng trại, phòng dịch…

Đến nay, sau gần 20 năm gắn bó với nghề chăn nuôi, trang trại của ông được mở rộng với diện tích hơn 3.000m2 và hệ thống kho chứa hàng, xưởng chế biến thức ăn có đủ loại máy nghiền, máy trộn, máy xay. Chuồng trại lúc nào cũng có khoảng 700 heo thịt, 100 heo nái, chưa kể số heo sữa. Hiện nay, số vốn của cơ sở lên tới hàng chục tỷ đồng.

Câu chuyện về thương binh Nguyễn Phan Tâm vươn lên làm giàu trên vùng đất thép Củ Chi còn được nhiều người biết đến với những hoạt động thiện nguyện. Vào dịp lễ, tết hàng năm, ông đều trích một phần lợi nhuận để tặng mái ấm cho đồng đội, giúp vốn để CCB làm ăn, tặng quà các gia đình chính sách và hộ nghèo, trao học bổng cho các em học sinh nghèo…

Ông tâm niệm: “Đó như sự tri ân đến những đồng đội, đồng bào đã hy sinh, chịu nhiều gian khó thời chiến tranh. Giúp được gì cho anh em CCB và những hoàn cảnh nghèo khó, gia đình chính sách là tôi vui, rất hạnh phúc”.

Giúp mọi người vượt khó

Ở khu phố 5, phường Trung Mỹ Tây (quận 12) có một trường mẫu giáo tư thục mang tên Hoa Hồng. Ngôi trường được xây dựng trên diện tích hơn 2.400m2, với những dãy phòng học khang trang, rộng rãi trong tòa nhà 4 tầng. Trường đã hoạt động hơn 20 năm, trung bình mỗi năm nuôi dạy hơn 400 học sinh mầm non. Có được cơ ngơi như hiện nay là quá trình phấn đấu vượt qua khó khăn để vươn lên không ngừng của thương binh Vũ Ngọc Tuynh và gia đình. 

Bước khởi đầu khi chuyển ra làm ăn ở môi trường mới, ông Tuynh gặp nhiều khó khăn do vốn ít, kinh nghiệm chưa có. Sau những trăn trở, suy nghĩ, ông quyết định thuê mặt bằng xưởng cưa để sản xuất cây thành phẩm cung cấp cho thị trường. Từ xưởng cưa, ông đầu tư mở rộng sản xuất sang chế biến gỗ gia dụng và xây dựng.

Điều đáng quý là hơn 40 công nhân làm việc tại xưởng đều là con em hội viên CCB, gia đình hộ nghèo trong phường, với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng. Công việc kinh doanh phát triển, ông quyết định dành toàn bộ lợi nhuận tích lũy được trong nhiều năm để mua đất, mở trường mầm non do thấy cư dân trong phường ngày một tăng, học sinh từ các lớp mẫu giáo đến tiểu học không đủ trường lớp theo học.  

Tại Trường Mầm non Hoa Hồng, ngoài những suất học bổng hàng năm dành cho trường hợp khó khăn, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động nghĩa tình như chữa bệnh miễn phí cho các em bệnh nặng, gia đình khó khăn, trao giải thưởng vượt khó, giúp đỡ gia đình CCB có con đang theo học các cấp lớp, với giá trị hàng trăm triệu đồng.

Hiện anh Tuynh là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ CCB - Cựu quân nhân làm kinh tế quận 12, phụ trách chương trình “Vượt nghèo bền vững” và học bổng “Thắp sáng ước mơ” của Hội CCB quận 12, với nguồn tài trợ của gia đình ông mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Tin cùng chuyên mục