Cụ thể, trong 16 đội thi của Việt Nam tranh tài ở 5 bảng đấu, UNIFESH (Câu lạc bộ Robotics-IoT của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM) đã giành giải vô địch tại bảng mô hình kinh doanh (Future Innovators). Ngoài ra, một đội từ Trung tâm Việt Robot Education đoạt giải 8 bảng đá banh.
WRO là sự kiện lớn toàn cầu về khoa học, kỹ thuật dành cho thanh thiếu niên tài năng trong độ tuổi 9 - 21 tuổi. WRO năm 2018 có sự tham gia của đại diện đến từ hơn 60 quốc gia trên thế giới.
Với chủ đề “Food Matters”, mục tiêu của ban giám khảo đặt ra cho cuộc thi năm nay không những đòi hỏi các thí sinh phải có tính sáng tạo, mà còn đáp ứng được tính thiết thực để giải quyết các vấn đề cấp thiết về lương thực và thực phẩm hiện nay.
Bên cạnh yếu tố kỹ thuật, để giành được giải Future Innovators, các thí sinh đã tự lập bảng kế hoạch kinh doanh, khảo sát thị trường và tìm ra các giải pháp hợp lý hóa chi phí cho dự án.
Đây là bảng thi kết hợp giữa lĩnh vực công nghệ kỹ thuật và lĩnh vực kinh tế, nhằm giúp thí sinh hình dung rõ hơn về chiến lược cho một công ty khởi nghiệp khi đưa vào thực tiễn.
Ở bảng đấu mở rộng - bảng đấu được coi là khó khăn nhất, đại diện Việt Nam là Three Musketeers (gồm 3 học sinh THCS) đã giới thiệu với bạn bè thế giới kỹ thuật trồng rau thủy canh hoàn toàn do robot thực hiện.
Để robot có thể đảm nhận các công đoạn, từ khâu trồng trọt đến khâu chăm sóc một cách tối ưu hóa, các em phải tìm hiểu những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, trang bị cho mình các kiến thức thuộc lĩnh vực trồng rau thủy sinh.
“Hầu như các cuối tuần, chúng em được đưa đến những vườn rau thủy canh quan sát và học hỏi. Đây là dịp chúng em có cơ hội tìm hiểu các yếu tố môi trường như nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm thực tế…
Chưa hết, chúng em học phương pháp vận dụng các kiến thức khoa học để kiểm tra nguồn nước sạch, lựa chọn và tính toán cách pha dung dịch dinh dưỡng sao cho không gây lãng phí dung dịch, nghiên cứu phương pháp dùng tia cực tím (UV) để diệt vi khuẩn nguồn nước dùng trồng cây, dùng phần mềm thông minh để kiểm soát hàm lượng các chất dinh dưỡng, độ PH trong nước như thế nào...”, Võ Khánh Hưng, thành viên của đội, cho biết.
Từ các kiến thức nông nghiệp đạt được trong những chuyến đi thực tế, các em trở về thực hiện các thuật toán đưa vào robot để tự động thực hiện các công đoạn hoàn hảo như con người. Dự án được đánh giá cao nhờ chứng minh được tính thực tế: có khả năng giải quyết vấn đề về vấn nạn lương thực và giúp giải phóng một lượng lớn sức lao động.
Lắp ráp robot từ lâu đã trở thành bộ môn phổ biến trong hệ thống giáo dục tại các quốc gia phát triển. Đây là môn học giúp tăng cường khả năng tư duy và sáng tạo cho học sinh. Thông qua việc thiết kế, lắp ráp, lập trình và điều khiển robot, trẻ được thực hành những ý tưởng của bản thân, tư duy cách hiện thực hóa ý tưởng, suy nghĩ, từ đó hoàn thiện dần các kỹ năng mềm và tạo thói quen, khả năng tổng hợp, vận dụng kiến thức của nhiều lĩnh vực một cách toàn diện.
Cô Nguyễn Thị Kiều, giáo viên Trung tâm Việt Robot Education, cho biết: “Những năm gần đây, ngành giáo dục trong nước đã chủ động kết hợp các chương trình dạy lắp ráp robot với đào tạo STEM. Chỉ khi kết hợp các kiến thức từ nhiều môn học khác nhau như Toán, Vật lý, Khoa học, Tin học, tiếng Anh… vào việc lập trình và vận hành robot, học sinh mới vận dụng được kỹ năng tổng hợp thông tin, phân tích tình huống cũng như sự tự tin trong việc biến ý tưởng thành sự thật”