“Hơn cả kim cương, chúng cháu muốn là hòa bình”, đó là tựa đề một trong bốn cuốn sách (ảnh) mà nhà báo người Nhật Kenji Goto đã để lại sau khi ông bị các tay súng thuộc Nhóm nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hành quyết vào cuối tháng 1 vừa qua.
Trong ký ức của nhiều người Nhật Bản, Kenji với mái tóc đuôi ngựa và nụ cười thân thiện vẫn còn sống mãi. Những bình luận của người phóng viên tự do kỳ cựu này từng xuất hiện trên nhiều tờ báo lớn của Nhật Bản. Bước chân ông đã đi qua nhiều vùng chảo lửa chiến tranh, diệt chủng như Rwanda, Sierra Leone, vùng bệnh dịch AIDS ở Estonia, vùng xung đột sắc tộc ở biên giới Pakistan - Afghanistan, đến nhiều trại tỵ nạn, nhiều nhà trẻ mồ côi...
Tuy nhiên, Goto luôn khẳng định mình không phải là một phóng viên chiến trường, anh chỉ muốn kể những câu chuyện về những người dân thường, về nỗi đau của trẻ em - những đứa trẻ phải hứng chịu bạo lực, đói khát và nhiều cơn ác mộng khác...
Trong những cuốn sách để lại, Goto kể với người Nhật về cuộc sống, về thân phận con người ở những vùng đất dường như khắc nghiệt nhất hành tinh. “Tôi luôn muốn dang rộng vòng tay đón nhận mọi người. Bằng cách này, tôi có thể trò chuyện với họ và có thể hiểu được quan điểm, nỗi đau và niềm hy vọng của họ”. Nếu như trẻ em ở Sierra Leon mơ ước “sự bình yên hơn cả kim cương”, thì liệu khi được Goto kể về một cuộc sống ở Nhật, các em ấy có thèm thuồng không?
Tạp chí Aera của Nhật Bản - từng cảnh báo sự sụp đổ thầm lặng của các gia đình Nhật, mới đây đã đặt vấn đề. Trẻ em Nhật được đến trường chứ không phải bị đẩy ra chiến trường, được giáo dục để sau này có việc làm tốt đảm bảo một cuộc sống thịnh vượng… nhưng người Nhật vẫn không hạnh phúc như các cuộc thăm dò kết luận.
Báo Japan Times mới đây nhận định, những câu chuyện mà Goto để lại có thể sẽ làm thay đổi cách nhìn của người Nhật về cuộc sống. Làm việc quá sức, trầm cảm, giảm nhu cầu tình dục… giờ đây là những tin tức cũ. Tin tức mới là gần đây, khi người Nhật gặp nhau, họ nói nhiều về chuyện phải “cân bằng cuộc sống” sau khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe kêu gọi người dân Nhật nên làm ít thôi để dành thời gian tiêu tiền, để giúp cuộc sống hạnh phúc hơn và góp phần kích thích nền kinh tế.
Chính phủ Nhật Bản hôm 27-3 thông báo sẽ có biện pháp giảm thiểu tình trạng ở lại làm việc quá trễ, vốn là “luật bất thành văn” ở quốc gia này. Theo dự luật mới, những người lao động có mức thu nhập hơn 10,75 triệu yen/năm (91.500 USD/năm) và có chuyên môn cao không phải chịu sự điều chỉnh của quy định giờ làm. Bên cạnh các biện pháp sẽ được áp dụng thời gian tới cho khối nhà nước, Thủ tướng Abe cũng đã đề nghị các bộ trưởng nói chuyện với các công ty tư nhân về việc thay đổi cách thức làm việc, với hy vọng sẽ có được sự hỗ trợ của họ nhằm thay đổi một truyền thống đã có từ lâu.
Trong lúc này, tạp chí Shukan Gendai của Nhật cho biết, họ đang viết lại những quyển sách của Goto với cách hành văn đơn giản và gần gũi hơn để dễ đến với trẻ em Nhật Bản và trẻ em nhiều nơi trên thế giới. Sao cho, thông điệp về một cuộc sống hạnh phúc chỉ là những điều bình thường và giản dị như Goto mong muốn được truyền tải đi càng xa càng tốt.
HẠNH CHI