Tham gia chuyến đi “Về nguồn” là những cán bộ công đoàn, công nhân viên chức lao động tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất và học tập; những công nhân, kỹ sư đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng (giải thưởng cấp thành phố, do Liên đoàn Lao động TPHCM và Báo SGGP tổ chức). Họ đại diện cho hàng triệu đoàn viên công đoàn, người lao động TP vinh dự được báo công cùng Bác…
Chị Trần Thị Dung, cán bộ công đoàn chuyên trách Khu chế xuất Linh Trung, người đoạt giải thưởng 28/7 cấp TP, xúc động khi lần đầu được vào lăng viếng Bác. Trong niềm hân hoan khi đứng trước quảng trường Ba Đình, chị Dung chia sẻ: “Mọi thứ cứ ngỡ như là một giấc mơ. Nay tôi được đứng đây, nơi mà người dân từ khắp mọi miền đất nước mong một lần được đến. Vậy là mong ước bấy lâu của tôi đã trở thành hiện thực”.
Công nhân, viên chức, người lao động TPHCM trong chuyến “Về nguồn” báo công dâng Bác
Chị nói, trong thực hiện nhiệm vụ hàng ngày, bản thân cũng đã đạt được nhiều thành tích học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng qua chuyến tham quan thực tế đến lăng Bác, được nghe những câu chuyện về cuộc đời người trên mảnh đất Nghệ An - nơi có ngôi nhà đơn sơ của gia đình Bác, đã thôi thúc chị phải cố gắng nhiều hơn nữa, sống tốt hơn, làm việc nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với sự hy sinh của Bác.
Anh Nguyễn Mai Huy, Phó ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động TPHCM, sau khi tham quan khuôn viên Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, được vào lăng viếng Bác đã không giấu được sự xúc động.
“Nhìn những hàng cây Bác trồng, ao cá Bác nuôi, nhà sàn Bác ở, những vật dụng mà lúc sinh thời Bác sử dụng, rồi nghe thêm chuyện kể về những bữa ăn của Bác, lối sống hàng ngày của Bác, tôi càng cảm thấy phải cố gắng nhiều hơn. Nhất là phải thực hành tiết kiệm gương mẫu, nói đi đôi với làm trong thực hiện nhiệm vụ, trong sinh hoạt hàng ngày”, anh Huy chia sẻ.
Thời gian qua, công nhân, viên chức, người lao động TP đã rất tích cực trong thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Việc học Bác gắn liền với công việc, nhiệm vụ hàng ngày của bản thân mỗi người. Không chỉ là thực hiện tốt các đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, mà ở họ còn là sự quyết tâm cống hiến.
Trong lao động sản xuất luôn phấn đấu lao động giỏi, lao động sáng tạo, đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến, giải pháp tiết kiệm và làm lợi cho đơn vị. Và nhất là hết lòng dìu dắt, đào tạo thế hệ công nhân lao động trẻ trở thành thợ giỏi.
Là một kỹ sư đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng, anh Nguyễn Thế Nghiệp chia sẻ chuyến hành trình “Về nguồn” báo công dâng Bác tiếp thêm động lực để anh phấn đấu nhiều hơn. Là một đảng viên, anh Nghiệp cho biết thời gian tới sẽ đi tiên phong để đưa ra những sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp và xã hội.
Hành trình báo công dâng Bác cũng đã đưa công nhân, viên chức, người lao động TPHCM về tận quê nhà của Bác tại Nam Đàn (tỉnh Nghệ An), nơi Bác được sinh ra và lớn lên.
Thay mặt đoàn, báo công bên tượng đài Người tại Quảng trường Hồ Chí Minh, bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, tự hào điểm qua những thành tích đáng nổi bật mà công nhân, viên chức, người lao động TP đã thực hiện trong thời gian qua: “Cứ mỗi năm, có hàng triệu công nhân, viên chức, người lao động hưởng ứng các phong trào thi đua làm theo lời Bác. Từ đó cho ra đời hàng ngàn sáng kiến cải tiến, giải pháp tiết kiệm, làm lợi cho đơn vị, cho TP và cho xã hội”.
Với ý nghĩa thiêng liêng, chuyến hành trình báo công dâng Bác đã giúp những kỹ sư, công nhân tiêu biểu thêm động lực trong lao động sáng tạo. Sau chuyến đi, trở về đơn vị, họ đã truyền cảm hứng đến nhiều công nhân lao động, giúp mỗi người hiểu rằng bản thân phải thật sự nỗ lực phấn đấu để đưa TP mang tên người phát triển vượt bậc trong thời gian tới.