Châu Phi vẫn sôi sục những bất ổn. Nhiều cuộc biểu tình chống chính quyền và đòi các nhà lãnh đạo lâu năm từ chức đang diễn biến hết sức phức tạp.
Yemen bên bờ vực nội chiến
Ngày 13-4, hàng trăm ngàn người chiếm khu quảng trường tại trung tâm các thành phố và thị trấn trong nước, đòi ông Tổng thống Ali Abdullah Saleh phải từ bỏ quyền lực. Theo AFP, cuộc biểu tình đã làm ít nhất 7 người thiệt mạng. Đụng độ cũng đã xảy ra giữa phe đối lập và lực lượng thân chính phủ tại thủ đô Sanna.
Tình hình Yemen đang hết sức căng thẳng và đe dọa sẽ dẫn đến nội chiến khi hiện nay Liên minh Các nhóm đối lập đã lên tiếng bác bỏ đề nghị của ông Saleh và đòi ông phải lập tức từ chức. Liên minh này còn đe dọa rằng “những giờ sắp tới sẽ có tính chất quyết định”. Điều nguy hiểm cho số phận chính trị của Tổng thống Saleh là cùng với các cuộc biểu tình bạo động, một loạt cựu đồng minh của ông đã đưa ra lời cam kết trung thành với những người nổi dậy. Có vẻ như sự ra đi của Tổng thống Saleh giống như cựu Tổng thống Ai Cập, sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Bờ Biển Ngà được EU và WB hậu thuẫn
Trong khi đó, tại Bờ Biển Ngà, các tướng lĩnh cấp cao đã tuyên bố ủng hộ Tổng thống đắc cử được quốc tế công nhận Alassane Ouattara. Ngày 12-4, Liên minh châu Âu (EU) đã hối thúc ông Ouattara thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc để giúp nước này đi đúng hướng, đồng thời cam kết hỗ trợ 180 triệu EUR để tái thiết đất nước. Ngân hàng Thế giới (WB) sẵn sàng nối lại viện trợ cho nước này. Pháp cũng thông báo sẽ cung cấp khoản viện trợ cả gói trị giá 400 triệu EUR để đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp ở Abidjan.
Còn Tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo, sau khi bị bắt giữ ngày 12-4, đã được chuyển tới nơi giam giữ bí mật ở ngoài thành phố Abidjan và vẫn nằm dưới sự giám sát của LHQ. Tuy nhiên, LHQ không cho biết địa điểm hay nguyên nhân của vụ di chuyển này, mà chỉ cho biết ông Gbagbo sẽ được chuyển lên phía Bắc, nơi có nhiều căn cứ của Tổng thống đắc cử được quốc tế công nhận Alassane Ouattara.
Cha con cựu Tổng thống Ai Cập bị bắt giam
Ngày 13-4, Trưởng công tố Ai Cập Abdel-Meguid Mahmoud đã ra lệnh giam Tổng thống bị lật đổ Hosni Mubarak 15 ngày để điều tra về những cáo buộc tham nhũng và lạm quyền. Trước đó, công tố viên cũng đã ra lệnh bắt 2 con trai ông Mubarak là Alaa và Gamal 15 ngày để điều tra về cáo buộc sử dụng vũ lực đàn áp người biểu tình trong các cuộc biểu tình chống chính phủ hồi tháng 1. Ngày 12-4, theo AFP, ông Mubarak, 82 tuổi, đã nhập viện ở Sharm el-Sheikh vì lên cơn đau tim trong lúc đang bị các công tố viên thẩm vấn.
Hiện tình hình Ai Cập vẫn đầy bất ổn. Người biểu tình dùng dây thép gai để phong tỏa các hoạt động giao thông. Các cuộc biểu tình quy mô lớn đã kéo dài suốt 5 ngày qua trên quảng trường Tahrir, đòi thành lập Hội đồng tổng thống dân sự điều hành đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp cho tới khi ban hành một hiến pháp mới và tổ chức tổng tuyển cử.
Cuộc chiến ở Libya chưa đến hồi kết
Đài truyền hình nhà nước Libya Al-Jamahiriya ngày 13-4 đưa tin một cuộc không kích của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào thị trấn Kikla, phía Nam thủ đô Tripoli đêm 12-4 đã làm nhiều dân thường thiệt mạng. Cùng ngày, đã xảy ra giao tranh lớn tại thành phố Misrata, “thành trì” cuối cùng của lực lượng trung thành với ông Gaddafi ở miền Tây và phe chống chính phủ đã giành chiến thắng.
Hiện Anh và Pháp vẫn luôn hối thúc NATO tăng cường oanh kích ở Libya. Ngày 13-4, mọi con mắt đổ dồn về Qatar, nơi diễn ra cuộc họp của Nhóm Tiếp xúc quốc tế về Libya với nội dung chính thảo luận về tình hình và tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Libya. Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) Tổng thống Moritani, ông Mohamed Abdel Aziz tuyên bố AU quyết tâm đạt được ngừng bắn tại Libya để “bảo vệ lợi ích tối cao” của nhân dân và giúp họ thoát khỏi tình hình nguy kịch hiện nay. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nhận định, tình hình tại Libya đã vượt khỏi tầm kiểm soát và cho biết ông Gaddafi sẽ phải từ chức.
Hạnh Chi