Những hải trình “xanh”

MT Chemical Challenger - tàu chở hóa chất đầu tiên trên thế giới được lắp những tấm buồm nhôm để tận dụng sức gió - đã chính thức ra khơi, ghi dấu mốc quan trọng trong nỗ lực giảm “dấu chân carbon” của ngành vận tải biển.

Tàu chở hóa chất có trọng tải 16.000 tấn của Công ty Chemship của Hà Lan đã rời cảng Rotterdam của nước này, bắt đầu hành trình từ Antwerp (Bỉ) và sẽ tới Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 23-2. Được chế tạo tại Nhật Bản, tàu được trang bị 4 cánh buồm nhôm khổng lồ cao 16m như cánh máy bay. Chemship hy vọng sẽ cắt giảm từ 10%-20% lượng nhiên liệu vận hành tàu nhờ những cánh buồm giúp tạo năng lượng từ sức gió.

v8a-5548.jpg
Một cánh buồm nhôm trên tàu MT Chemical Challenger. Ảnh: FLOAT360

Ông Niels Grotz, Giám đốc điều hành của Chemship, cho biết sự ra mắt của MT Chemical Challenger sẽ trở thành hình mẫu cho các công ty vận tải khác trên toàn thế giới. Theo ông Grotz, dự án lắp cánh buồm cho tàu chở hóa chất của Chemship đã được triển khai sau khi công ty này và công ty Hà Lan Econowind chuyên về xây dựng hệ thống đẩy gió cho tàu, bắt đầu hợp tác lần đầu tiên cách đây 3 năm. Dù không phải là con tàu hiện đại đầu tiên được trang bị cánh buồm cứng (Công ty Cargill của Anh đã hạ thủy 1 tàu chở hàng vận hành có hỗ trợ sức gió ra năm ngoái), Chemship cho biết Chemical Challenger là tàu chở hóa chất đầu tiên trên thế giới có cánh buồm.

Được chế tạo và lắp đặt tương tự như cánh máy bay, những cánh buồm nhôm cứng được trang bị một hệ thống lỗ thông gió và lỗ hổng để tối đa hóa luồng khí trong gió với vận tốc lên đến 61km/giờ. Ông Rens Groot, Giám đốc bán hàng tại Econowind, cho biết hệ thống này được gọi là “cánh buồm thông gió” giúp tăng công suất gió lên 5 lần và tạo ra công suất tương đương với một cánh buồm “tưởng tượng” có kích thước khoảng 30m x 30m.

Theo ông Groot, việc lắp đặt những cánh buồm cứng hiện đại trên những con tàu khổng lồ gợi nhớ lại quá khứ của những chiếc thuyền buồm lướt trên đại dương. Sự xuất hiện những cánh buồm trên tàu cũng đang mở lại những tuyến đường đã bị lãng quên từ lâu khi động cơ hơi nước và nhiên liệu thay thế sức gió. Ông Groot cho biết đang cố gắng tìm cách đưa thiên nhiên hòa vào công nghệ để con người có thể cảm nhận được con tàu đang di chuyển bằng gió giống thời xa xưa.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, ngành vận tải biển toàn cầu - sử dụng dầu diesel và các loại nhiên liệu khác - phát thải khoảng 2% lượng khí carbon của thế giới vào năm 2022. Các hướng dẫn mới của Tổ chức Hàng hải quốc tế cho biết ngành vận tải biển cần phải giảm ít nhất 40% lượng khí thải vào năm 2030 và xuống bằng 0 vào khoảng năm 2050 để hoàn thành mục tiêu về giảm lượng khí thải đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Tháng 9 năm ngoái, Cơ quan Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) cũng đã kêu gọi đẩy nhanh việc khử carbon trong ngành vận tải biển. Đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, với hơn 80% tổng lượng hàng hóa giao dịch trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển, theo UNCTAD, ngành vận tải biển phải nhanh chóng chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch do có tới 99% lượng tàu thuyền vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu thông thường.

Tin cùng chuyên mục