Ý thức trách nhiệm phòng chống dịch
Cảm động trước sự tận tụy vất vả của các y bác sĩ đang miệt mài chăm sóc điều trị các bệnh nhân Covid-19 và người cách ly, anh Dương Văn Thuật cùng các bạn bè làm việc tại Trường Mầm non quốc tế FTF đã đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trao tặng 2.200 bộ trang phục bảo hộ và 60 thùng sữa, tổng trị giá 196 triệu đồng.
Anh Thuật cho biết: “Chúng tôi rất hiểu nỗi gian truân và tấm lòng các y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Với số quà tặng này, chúng tôi mong muốn được chia sẻ, động viên các y bác sĩ, đồng hành với đội ngũ đang trực tiếp phòng chống dịch”.
Trong một tháng qua, các nhân viên y tế Khoa Xét nghiệm di truyền học của Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) đã tận dụng thời gian nghỉ trưa để cùng nhau may những chiếc khẩu trang sử dụng cho nhân viên y tế tiếp xúc trong môi trường bình thường, có tác dụng hạn chế nước bọt bắn vào bệnh nhân, người đến chăm sóc sức khỏe tại bệnh viện. Sắp tới, các nhân viên của Bệnh viện Từ Dũ sẽ may khẩu trang có than hoạt tính để sử dụng trong tiếp xúc bệnh nhân và bệnh phẩm, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Những ngày này, trong căn nhà số 35/85 Trần Đình Xu (phường Cầu Kho, quận 1, TPHCM), một nhóm làm khẩu trang vải thiện nguyện cũng đang miệt mài cắt may khẩu trang để tặng mọi người với mong muốn góp sức cùng cộng đồng phòng tránh dịch bệnh.
Bà Vũ Thị Lệ Mai, Trưởng nhóm, chia sẻ: “Mỗi chiếc khẩu trang vải được gia công tỉ mỉ từ khâu cắt mẫu, ủi keo, may, luồn dây đeo, giặt giũ, gồm 4 lớp nên cũng giúp hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn. Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Cầu Kho vận động các hộ kinh doanh vải ủng hộ nguyên liệu và vận động các tiệm may cùng tham gia may khẩu trang vải tặng người dân, góp phần chia sẻ với thành phố trong việc phòng chống dịch bệnh”.
Nhiều người dân khác cũng chung tay phòng chống dịch bằng cách mua khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn để tặng cho người lao động.
Giúp nhau vượt khó
Những ngày gần đây, những dòng thông báo giảm tiền nhà của các chủ nhà trọ tại TPHCM được các bạn sinh viên chia sẻ trên nhiều diễn đàn và thu hút hàng ngàn lượt like trên Facebook. Các công nhân Nhà máy giày da Huê Phong thuê phòng trọ tại đường Số 3 (phường 9, quận Gò Vấp) cũng cho hay, từ sau Tết Nguyên đán, do dịch bệnh, đơn vị đã từng bước giảm nhân sự, giảm lương, không còn tăng ca.
Vì thế thu nhập của nhiều công nhân bị giảm sút, đời sống bị ảnh hưởng, nhiều người phải thường xuyên ăn bánh mì, mì tôm để tiết kiệm chi tiêu hàng ngày. Biết tình cảnh như vậy, chủ nhà trọ đã giảm 30% tiền phòng để giúp người lao động nghèo vượt qua mùa dịch.
Việc giúp nông dân tiêu thụ nông sản bị ứ đọng do không xuất được qua Trung Quốc cũng được nhiều người dân TPHCM nồng nhiệt hưởng ứng. Nhiều người hảo tâm còn đến tận nhà vườn mua tiêu thụ giúp số nông sản tồn đọng. Chị Phạm Thị Bảy (ở phường 22, quận Bình Thạnh) cùng với những tổ chức từ thiện đã thu mua, tiêu thụ hơn 200 tấn dưa hấu giúp bà con nông dân ở Krông Pa, Kbang, Kông Chro (tỉnh Gia Lai).
Chị Bảy nói: “Mấy ngày qua, thấy hình ảnh dưa hấu của nông dân nằm chất đống, phơi nắng ngoài đồng nên tôi cùng với một số nhóm thiện nguyện tổ chức thu mua dưa giúp nông dân với giá 3.200 đồng/kg và bán ra thị trường với giá chỉ 3.000 đồng/kg. Chúng tôi chịu lỗ vì muốn chung tay giúp đỡ cho bà con nông dân giảm thiệt hại”.
Chị Hồ Thu Hằng (công nhân may tại quận Thủ Đức) cho biết: “Dù vẫn rất lo lắng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhưng mọi người trong dãy trọ vẫn rất tốt với nhau, thường xuyên quan tâm, nhắc nhở các biện pháp phòng dịch hiệu quả. Nhà nào mua được ít khẩu trang y tế cũng chia sẻ cho hàng xóm. Những ngày qua, học sinh nghỉ học, vợ chồng tôi cũng được hàng xóm trông giúp để đi làm. Có những người còn thay nhau nhận trông giúp vài ba đứa trẻ để hàng xóm yên tâm đi làm. Tình người trong mùa dịch vẫn thật ấm áp".