Những ký tự thắm tình sông nước

Đời sống văn học ĐBSCL không sôi động bằng những vùng miền khác, nhưng đằng sau sự lặng lẽ vẫn lấp lánh những hạt phù sa đáng quý. Nhà thơ Thành Dũng ở Sóc Trăng là một trong những hạt phù sa khiêm tốn và lấp lánh ấy.
Những ký tự thắm tình sông nước

Năm 2021, ông được Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam trao giải thưởng cho tập thơ Tương đối hẹp và vừa trình làng tập thơ mới Những ký tự xê dịch.

Bên cạnh nhà thơ kỳ cựu Lê Chí ở TP Cần Thơ, các nhà thơ đi sau như Phù Sa Lộc, Trịnh Bửu Hoài, Song Hảo, Đinh Thị Thu Vân… và Thành Dũng đã và đang làm phong phú đời sống thi ca miền châu thổ. Những vần thơ của Thành Dũng là những ký tự thắm tình sông nước, mang hồn cốt riêng từ vỉa tầng văn hóa miệt vườn với nhiều ưu tư trăn trở: “Miền Tây như chiếc nôi lớn/ Chứa đựng dung mạo của sự trù phú/ Con người đất đai cảnh vật hiền hòa/ Tạo hóa ngàn đời nay ban tặng/ Sản vật cây trái quanh năm/ Dưỡng nuôi hồn cốt của văn hóa miệt vườn”.

Nhà thơ Thành Dũng còn có bút danh và cũng là tên thật Trần Thanh Dũng, tốt nghiệp Trường Đại học Luật, làm việc tại một phòng công chứng ở Sóc Trăng. Ông đã xuất bản 6 tập thơ: Phía bên kia nỗi buồn (2006), Gió qua miền ký ức (2009), Lục bát hái trong vườn nhà tôi (2012), Miệt thức (2016), Tương đối hẹp (2020) và mới nhất là tập thơ 1-2-3 Những ký tự xê dịch do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2022.

Trong thơ Thành Dũng đầy ắp, lắng đọng phù sa lịch sử, văn hóa, môi sinh bằng cảm thức tinh tế và tự hào: “Câu chữ xứ này thiệt thà như đếm/ Những dòng sông lượn mãi cũng ngay lòng/ Về Năm Căn ăn cua gạch son/ Lắc lư nhịp đờn cò say mút chỉ/ Áo bà ba neo trong xuồng ba lá/ Cứ chiều chiều tao tác mút mùa thương”. Nhưng cũng với tình yêu thắm nồng sông nước nhưng đôi khi xót xa, đớn đau và thức tỉnh: “Ngày sếu đầu đỏ không về tổ/ Tràm Chim chết đứng như Từ Hải/ giữa đầm sen Đồng Tháp Mười/ tự vuốt mặt mình rồi mặt trời đi ngủ/ hoàng hôn tẩn liệm chân trời/ vũ điệu mùa đông đã thuộc về cổ tích?”.

Cuộc sống tươi đẹp nhưng cũng đầy bất trắc, sự biến đổi khí hậu đang gây ra cho miền Tây Nam bộ nhiều khó khăn. Nước mặn. Đồng chua. Sông khô. Cá chết. Đời sống con người bao nỗi bất an.“Những nhánh sông cũng chết dần trong ký ức/ Ông Tư ôm đờn ra gảy/ tiếng đờn không át nổi tiếng mưa/ Đồng mỗi ngày một chua/ nhiễm mặn những phận đời đang ngọt/ nước mênh mông mà lòng người lại khát?”

Những bài thơ theo thể thơ mới 1-2-3 của Thành Dũng là những câu hỏi quặn lòng từ miền sông nước về trách nhiệm đối với quá khứ và những đổi thay đầy băn khoăn hiện tại: “Cạp trái bần chua/ nhắc nhớ thời mở đất/ biển mặn mà đời sao cứ nhạt/ sinh ra từ đất người ly hương với đất/ miếng cơm manh áo còn xa/ chẳng lẽ ngồi nhà cạp đất?”.

Tin cùng chuyên mục