Những “luồng xanh” vận tải hàng hóa

Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều quốc gia phải áp dụng các biện pháp phong tỏa và cách ly xã hội một cách nghiêm ngặt. Do đó, việc đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu trong giai đoạn dịch bệnh, nhất là tại các vùng bị phong tỏa, đã trở thành mối quan tâm hàng đầu. 
Kiểm tra thân nhiệt tài xế vận chuyển hàng tại Trung Quốc
Kiểm tra thân nhiệt tài xế vận chuyển hàng tại Trung Quốc

Không để đứt gãy nguồn cung 

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong làn sóng dịch đầu tiên vào đầu năm 2020, Trung Quốc buộc phải triển khai hàng loạt biện pháp chống dịch, nhưng vẫn duy trì việc cung ứng hàng hóa cho người dân. Thời điểm đó, mọi cửa ngõ ra vào TP Vũ Hán đều bị đóng chặt, ngoại trừ những xe chở hàng hóa sinh hoạt. Để có đủ lương thực cho 11 triệu người dân Vũ Hán, nhà chức trách Trung Quốc đã kêu gọi nông dân tăng cường sản xuất rau củ, lập “luồng xanh” cho xe tải vận chuyển vào thành phố để nguồn cung và giá cả lương thực tại các thành phố bị phong tỏa vẫn ổn định.

Cuối tháng 1-2020, Sở Giao thông Vũ Hán cho phép 3 loại xe đi qua chốt chặn trên cao tốc: xe chở vật tư y tế, xe chở vật tư sinh hoạt cho người dân và xe chở vật tư dùng để đảm bảo nguồn điện, nước, khí đốt của thành phố. Xe tải chở thực phẩm không bị hạn chế đi lại nếu có giấy phép của chính quyền. Khi xe đến đích, giới chức đo thân nhiệt tài xế, ghi lại lịch trình, khử trùng phương tiện một lần nữa trước khi cho phép tiến vào khu vực trung tâm.

Chính quyền một số địa phương cũng thuê thêm tài xế xe tải. Các địa phương ở xa được huy động để trợ giúp nguồn lương thực thực phẩm cho TP Vũ Hán. Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để duy trì nguồn cung lương thực và giá cả ổn định. Cơ quan quản lý thị trường cũng tăng cường kiểm tra kiểm soát và xử phạt các siêu thị có hiện tượng đẩy giá, nhờ đó giá cả trở lại bình thường và ổn định suốt giai đoạn dịch bệnh. Kết quả là dù bị phong tỏa trong thời gian dài, người dân ở Vũ Hán vẫn không bị thiếu lương thực, thực phẩm vì các siêu thị, cửa hàng vẫn đầy đủ hàng hóa. Bên cạnh đó, thị trường thực phẩm trực tuyến do khu vực tư nhân vận hành cũng hoạt động hết công suất. Ở một số thành phố nơi thương mại điện tử phát triển mạnh, các cửa hàng và nhà hàng nhanh chóng chuyển từ bán trực tiếp sang trực tuyến.

Không chỉ riêng Vũ Hán, nguồn cung lương thực thực phẩm ở các địa phương bùng phát dịch cũng luôn được đảm bảo. Kết quả này có được là do việc áp dụng chính sách an ninh lương thực đô thị, có tên gọi “chương trình rổ rau” vào năm 1988. Chính phủ Trung Quốc yêu cầu các thị trưởng thành phố chịu trách nhiệm cung cấp, đảm bảo mức giá phải chăng và độ an toàn của thực phẩm, chủ yếu là rau, thịt. Các thành phố sẽ được chấm điểm cao nếu có những cải tiến về cơ sở vật chất giao hàng trong các khu dân cư, đảm bảo có nhiều điểm tiêu thụ thực phẩm như siêu thị, cửa hàng thực phẩm nhỏ và quan trọng nhất là chợ đồ tươi sống. 

Trong khi đó, ở Ấn Độ, trước tình trạng thiếu nhân viên, nhất là nhân viên điều hành việc giao hàng và nhân công bốc dỡ hàng hóa trong giai đoạn giãn cách xã hội, Hiệp hội Phúc lợi vận tải Ấn Độ (AIWTA) đã gửi kiến nghị chính phủ cho phép sử dụng giấy phép lái xe làm thẻ thu phí tự động không dừng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển nhanh chóng. AIWTA cũng lo tìm bảo hiểm cho tài xế xe tải và các nhân viên liên quan, đề xuất chính phủ mở lại các trạm dừng cho tài xế cứ mỗi 200km đường cao tốc. Ở cảng biển, Chính phủ Ấn Độ yêu cầu các hãng vận tải không áp dụng phí giam giữ container đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong thời gian phong tỏa. Còn ngành đường sắt, trong trường hợp không có khách vì đại dịch, tàu hỏa sẽ tập trung vận chuyển hàng hóa thiết yếu, bưu kiện cho doanh nghiệp địa phương và người mua hàng thương mại điện tử.

Điều chỉnh linh hoạt 

Tại châu Âu, vào thời kỳ đầu đại dịch bùng phát, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đưa ra các biện pháp hạn chế biên giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lưu thông hàng hóa. Hậu quả là ùn tắc giao thông tại các cửa khẩu nội khối EU khiến các tài xế vận tải hàng hóa và công nhân vận tải phải đối mặt với thời gian chờ đợi lên đến 24 giờ, làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ thiết yếu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen khi đó đã yêu cầu hàng hóa, các dịch vụ cơ bản đến EU cần phải được tiếp tục lưu thông để bảo đảm nguồn cung ứng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, linh kiện sản xuất, thuốc men, vì sự di chuyển tự do của hàng hóa là giá trị cốt lõi của thị trường chung châu Âu.

Để tăng tính hiệu quả, EC đã đề xuất “luồng xanh” tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa. Tại các “luồng xanh” này, lái xe vận tải chỉ cần xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy phép lái xe và giấy chứng nhận công nhân vận tải quốc tế. Việc kiểm tra sức khỏe của lái xe vận tải chỉ cần thực hiện ở một bên của biên giới để tránh tốn thời gian cho nhiều cuộc kiểm tra ở những quốc gia thành viên khác nhau. Ngoài ra, việc kiểm tra tài liệu và hàng hóa trên đường, chẳng hạn như kiểm tra tại chỗ ven đường, cũng được giảm thiểu và không vượt quá mức bình thường. Các nước EU cũng tạo điều kiện nhanh chóng cho việc kiểm tra sức khỏe các tài xế vận chuyển hàng hóa, trong đó có thể sử dụng biện pháp đo thân nhiệt bằng máy quét, hoặc xét nghiệm nhanh tại chỗ. Nhờ các biện pháp trên, việc vận chuyển hàng hóa trong EU diễn ra rất suôn sẻ trong suốt giai đoạn dịch bệnh.

Cuối năm ngoái, khi Pháp đóng cửa biên giới với Vương quốc Anh vì lo ngại biến chủng mới của Covid-19, nhiều xe tải chở hàng từ Pháp sang Anh và ngược lại đã bị kẹt ở cảng biển, không lưu thông được do các biện pháp kiểm soát. Nhà chức trách hai nước đã nhanh chóng thảo luận và cho phép mở “luồng xanh” trên biển, vận chuyển hàng hóa bằng container không có tài xế đi kèm qua đường biển. Pháp sau đó cũng cho phép tài xế từ Anh chở hàng chỉ cần có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính theo thời gian quy định là được nhập cảnh. Còn tại Anh, các nhân viên trong ngành vận tải hàng hóa và hậu cần được chính phủ xem là “nhân công thiết yếu” được phép tự do đi lại. Biện pháp này giúp chuỗi cung ứng hàng hóa vẫn hoạt động thông suốt.

Riêng với ASEAN, khi nhận thấy các biện pháp ngăn chặn Covid-19 như kiểm tra bắt buộc và thời gian cách ly 14 ngày đối với tài xế xe tải làm tăng thêm các yêu cầu phức tạp về chứng từ và các chi phí liên quan đến vận tải hàng hóa, giới chức ASEAN đã có những điều chỉnh phù hợp. Vào tháng 11-2020, Ban Thư ký ASEAN đã công bố các biện pháp tạo thuận lợi thương mại và trao đổi hàng hóa, trong đó có điều chỉnh các tiêu chuẩn đối với hàng hóa thiết yếu và mở rộng Cơ chế hải quan một cửa ASEAN (ASW) cho các đối tác đối thoại của ASEAN. Điều này nhằm mục đích giảm chi phí tuân thủ và những trở ngại về thủ tục cho thương nhân. 

Ngoài ra, các thương nhân mua bán hàng hóa qua biên giới trong khối ASEAN hiện có thể tận dụng Hệ thống Quản lý quá cảnh hải quan trực tuyến mới - Hệ thống Quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS), để đẩy nhanh thương mại hàng hóa bằng đường bộ trong ASEAN. Nhiều nước ASEAN như Singapore, Lào, Myanmar và Indonesia... cũng đã lần lượt thiết lập “luồng xanh” cho việc trao đổi hàng hóa. 

Tin cùng chuyên mục