
Đọc thơ Huy Cận, nhiều thế hệ công chúng vẫn không khỏi bồi hồi với những câu thơ, bài thơ đầy ắp ý, tình và tính suy tưởng sâu sắc của nhà thơ. Ngẫm một góc riêng khác - Huy Cận với hội họa - cũng thể hiện một quan niệm nghệ thuật rất đẹp của ông.
Những bức tranh phong cảnh
Quan niệm như thế nào về cái đẹp? Ngay từ tập thơ đầu tay “Lửa thiêng”, xuất bản năm 1940, Huy Cận đã bày tỏ tâm tình qua bài Chiều xưa, Đẹp xưa. Nét đẹp mang tính cổ điển, hài hòa trong không gian và chuyển biến theo thời gian, theo nhịp đi của đất trời. Trong thơ Huy Cận, cái đẹp được thể hiện, được dựng lên như một bức tranh phong cảnh hoành tráng:

Ngập ngừng mép núi quanh co/Lưng đèo quán dựng, mưa lò mái ngang…/Vi vu gió hút nẻo vàng/Một trời thu rộng mấy hàng cây cao. (Đẹp xưa)
Không phải là họa sĩ nhưng những vần thơ của Huy Cận có lúc san sẻ với bạn đọc cùng thưởng ngoạn một cảnh sắc vô cùng lộng lẫy mà êm đềm, ý vị:
Vàng đẹp quá, giăng tơ và xối chỉ/Trời mênh mông nên rất đỗi nhớ nhung/Chiều buồn buồn hương sắc tưng bừng/Như nắng xế nằm trên gương mờ thủy… (Họa điệu)
Trong thơ Huy Cận, phong cảnh thiên nhiên theo từng mùa được phác thảo khá tinh tế. Nếu cảnh mùa đông đầy tê tái trong “Nhạc sầu”: Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế! /Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường… làm não cả lòng người đọc thì cảnh “Xuân” khá rộn ràng, sinh động: Cây xanh cành đẹp xui tay với/Sông mát tràn xuân nước đậm bờ …; và, cảnh mùa hè tình tứ biết bao: Đất thêu nắng, bóng tre rồi bóng phượng… /Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao/ Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ… (Đi giữa đường thơm). Đặc sắc hơn, với cảnh “nhuốm” thu, Huy Cận đã tả:
Bỗng dưng buồn bã không gian/Mây bay lũng thấp giăng màn âm u/Nai cao gót lẫn trong mù/Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về… (Thu rừng)
Cũng là phong cảnh chuyển mùa như kiểu Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san như trong câu thơ Kiều của Nguyễn Du, nhưng thơ Huy Cận có cấu trúc khá mới mẻ. Không gian ở đây không mô tả theo kiểu “đăng cao” hay “trông lên” như môtíp thơ của người xưa, Huy Cận tỏ ra khá nhạy cảm và hiện đại khi mô tả phong cảnh với cách “từ trên cao nhìn xuống”, để cuối cùng, toàn cảnh hiện ra cùng với sự rung cảm toàn bộ qua từ “ngây” khá đắt:
Non xanh ngây cả buồn chiều/Nhân gian e cũng tiêu điều dưới kia. Tình nghệ sĩ
Trong giới mỹ thuật, Huy Cận đã hai lần tặng thơ cho họa sĩ Nguyễn Gia Trí. “Nhạc sầu” in năm 1940 là bài thơ đề tặng đầu tiên đầy âm hưởng buồn da diết về kiếp nhân sinh nói chung. Bài thứ hai “Người nghệ sĩ”, Huy Cận viết tặng hương hồn Nguyễn Gia Trí, khi họa sĩ mất năm 1993. Đây cũng chính là sự đánh giá của một tài năng về một tài năng, của tình nghệ sĩ:
Như bức sơn mài trong nước long lanh/ Bàn tay cuộc sống mài hình thế sự/ Người nghệ sĩ lọt lòng từ vũ trụ/ Sức thiên nhiên ủ chín tài năng…/ Người nghệ sĩ ra đi, mà vẫn ở.
Năm 1972, xem triển lãm tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, nhà thơ vừa bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với người nghệ sĩ, vừa bộc bạch tình đồng hương Hà Tĩnh với “chàng nho - họa sĩ”:
Hồn xuân mình biết với mình/Màu quê hương đậm dáng hình quê hương (Mừng họa sĩ Nguyễn Phan Chánh 80 tuổi)
“Trong tranh có đời và trong đời có tranh”. Đó cũng là lời nhận xét đồng điệu của nhà thơ Huy Cận khi trò chuyện cùng họa sĩ Bùi Xuân Phái nhân tham dự buổi khai mạc triển lãm tranh “Phố cổ và sân khấu chèo”, ngày 22-12-1984, tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội…
Và, còn nhiều lời nhận xét khác nữa của Huy Cận về giới mỹ thuật. Bài viết nhỏ này như thắp nén hương tưởng niệm một năm ngày mất của nhà thơ Huy Cận.
KIM ỬNG