Công trình Thủy điện Sơn La

Những người chủ thắp sáng vùng Tây Bắc

Những người chủ thắp sáng vùng Tây Bắc

Nửa tháng sau ngày khởi công, Thủy điện Sơn La không còn tấp nập như trước. “Toàn công trường chỉ còn khoảng 5.000 kỹ sư, công nhân, giảm hơn 1.000 người so với trước ngày khởi công”, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam kiêm Trưởng BQL Nhà máy thủy điện Sơn La Vũ Đức Thìn nói. Ông giải thích: công trình thế kỷ tầm cỡ quốc tế do người Việt Nam tự xây dựng đã góp phần tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng.

  • Bước đột phá xóa đói giảm nghèo cho 3 tỉnh Tây Bắc

Nhà máy Thủy điện Sơn La quy mô thuộc loại lớn nhất Đông Nam Á với tổng vốn đầu tư 42,4 ngàn tỷ đồng; công suất 2.400 MW. Công trình có diện tích lưu vực nước 43.760km2 này không chỉ cung cấp điện cho cả nước mà còn có hai mục tiêu quan trọng khác: nâng tần suất lũ từ 125 năm như hiện nay lên 500 năm và cung cấp nước cho hơn 20 triệu người cùng hàng trăm ngàn ha ruộng lúa vùng đồng bằng Bắc bộ.

Những người chủ thắp sáng vùng Tây Bắc ảnh 1

Một góc công trình Thủy điện Sơn La.

Dự án còn góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên. Việc xây Thủy điện Sơn La sẽ nâng thu nhập bình quân của người dân Tây Bắc vào năm 2010 gấp 2,8 lần và năm 2020 gấp 6,6 lần so với năm 2000. Từ những tỉnh thuộc diện khó khăn, Sơn La sẽ trở thành thành phố điện, Điện Biên thoát nghèo và Lai Châu sẽ đông người có thu nhập từ trung bình trở lên.

Giám đốc Sở KH-ĐT Sơn La Võ An cho biết, với công trình thế kỷ này, hàng năm Trung ương đầu tư cho Sơn La 450 tỷ đồng, các bộ, ngành trung ương đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Còn ông Cà Văn Chiu, Giám đốc Sở Công nghiệp nhìn nhận: Đây là cơ hội để Sơn La và các tỉnh Tây Bắc bố trí, sắp xếp lại dân cư, điều chỉnh cơ cấu công nghiệp.

Công nghiệp chế biến được đặc biệt chú ý như chè, cà phê, cây ăn quả, gỗ. Sơn La sẽ “cấy” các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, mây tre… vào những điểm tái định cư. “Chúng tôi tin từ một tỉnh đặc biệt khó khăn, Sơn La sẽ thành tỉnh có nền kinh tế phát triển thuộc loại khá trong khu vực”, ông Cà Văn Chiu nói.

Điều này nằm trong tầm tay vì trong lĩnh vực nông nghiệp, hồ chứa thủy điện dâng hàng trăm mét giúp nâng cao mức nước ngầm, tạo độ ẩm cao cho toàn vùng Tây Bắc, rất thuận lợi cho canh tác tập trung, chuyên canh. Hồ chứa còn tạo điều kiện phát triển nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, cải tạo khí hậu tiểu vùng dọc hồ chứa. Đặc biệt, thủy điện sẽ ra tay “cứu” rừng phòng hộ. Bởi khu vực rừng phòng hộ Thủy điện Sơn La tại Sơn La, Lai Châu có tới 64%-65% diện tích là đất trống đồi núi trọc.

Nhưng, vui nhất vẫn là ngành giao thông Sơn La. Vài năm trước, Sơn La là tỉnh có tỷ lệ km đường/diện tích tự nhiên thuộc loại thấp nhất cả nước. Hiện nay tỉnh đã mở rộng Quốc lộ 6, Quốc lộ 37 và đường vào các khu tái định cư. Từ Hà Nội lên Sơn La chỉ còn 6 tiếng đồng hồ, thay cho hơn một ngày đường như trước đây. Giao thông còn góp phần phát triển kinh tế ở biên giới Tây Bắc nhằm bảo đảm tốt hơn cho việc thông thương, giữ vững ổn định chính trị.

  • Chỉ cần 20 chuyên gia nước ngoài

Để chủ động đón cơ hội, Sơn La đã thực hiện hai cuộc vận động đầu tư ở Hà Nội và TPHCM với việc đưa ra danh mục 60 dự án kêu gọi vốn đầu tư với số tiền thấp nhất 1 triệu USD và cao nhất 380 triệu USD/dự án. Trong đó, có dự án xây dựng nhà máy Xi măng lò quay (200 triệu USD) phục vụ công trường; dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao (120 triệu USD); dự án chăn nuôi bò sữa nhập khẩu 100 triệu USD.

Do ít vốn, Sơn La đã thực hiện chính sách đổi đất lấy hạ tầng và chủ trương này đã được hưởng ứng. Ông Vũ Kim Chung, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) cho biết, đã quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy xi măng Sơn La, tuyến đường Chiềng Ngần – Mường Bằng – Hát Lót và khách sạn Cienco 3 sao, 11 tầng ở trung tâm thị xã...

Sự hưởng ứng còn thể hiện mạnh mẽ hơn ở đội ngũ những người trực tiếp xây dựng nhà máy. Chỉ tay về phía hàng trăm công nhân đang miệt mài chống thấm đê quai giai đoạn 2, Tổng chỉ huy Vũ Đức Thìn giảng giải: nhiệm vụ hàng đầu trong năm 2006 là phải chống được lũ sông Đà. Nhưng không vì đây là công việc nặng nề, quan trọng mà huy động thêm sức người. Công nghệ và nghệ tinh của các kỹ sư, công nhân thuộc 13 nhà thầu đủ để hoàn thành khối lượng công việc lớn với yêu cầu cực cao về mặt kỹ thuật.

Còn nhớ ở công trình thế kỷ thủy điện Hòa Bình luôn thường trực trên 1.000 chuyên gia nước ngoài. Khi cao điểm, có tới trên 30.000 kỹ sư, lao động Việt Nam trên công trường. Tuy nhiên, ở công trình có quy mô, công suất vượt trội so với thủy điện Hòa Bình này, tổng số chuyên gia của nước ngoài chỉ vỏn vẹn 20 người. “Vào lúc cao điểm năm 2007, Thủy điện Sơn La cũng chỉ cần tới hơn 10.000 lao động người Việt”, ông Thìn nói.

Ngay cả khâu thiết kế dự án - công việc cực kỳ quan trọng mà lâu nay vẫn được coi là “dành riêng cho người nước ngoài”, cũng do “người nhà” của ngành điện thực hiện. Đó là Công ty Tư vấn xây dựng điện I (PECC1). Kỹ sư Đào Thế Hùng, Đoàn phó Đoàn thiết kế thủy điện I, tâm sự: “Để đảm đương được trọng trách đó, hơn 300 cán bộ công ty chúng tôi đã phải lăn lộn đi học việc, làm thuê trong 18 năm qua”. PECC1 đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật giai đoạn I, cho phép rút ngắn 2 năm, được đơn vị tư vấn thẩm định Nhật Bản đánh giá cao.

Sơn La trở thành tâm điểm của sức sáng tạo Việt Nam. Chẳng hạn, trong việc thiết kế kỹ thuật kênh dẫn dòng, các kỹ sư đã thành công khi chế tạo thiết bị cơ khí nâng hạ cửa van, giá chỉ bằng 1/3 nhập ngoại và rút ngắn thời gian thi công 2 năm so với việc để nhà thầu ngoại đảm nhiệm. Đặc biệt là việc ứng dụng đập bê tông trọng lực thi công theo công nghệ đầm lăn, giàu chất kết dính.

Đây là bước đột phá về kỹ thuật và công nghệ của Thủy điện Sơn La. Theo thiết kế, đập thủy điện chiếm tới 3/5,1 triệu m3 bê tông của toàn bộ công trình. So với công nghệ thi công bê tông truyền thống, công nghệ bê tông đầm lăn đã làm giảm trên 200kg trên mỗi m3 bê tông và giảm 1.200 tỷ đồng chi phí đầu tư.

Kỹ sư Vũ Đức Thìn khẳng định, những kỹ sư, công nhân Việt sẽ lại là chủ nhân thắp sáng Tây Bắc. 

NAM QUỐC  

Tin cùng chuyên mục