Những phiên chợ tạo niềm tin

Từ đầu năm 2019 đến nay, đã có nhiều phiên chợ hàng Việt về vùng nông thôn, vùng sâu được các địa phương tại khu vực Tây Nam bộ tổ chức, góp phần tích cực vào thành công của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Sức hút với người tiêu dùng

Ở Hậu Giang, Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh này đã phối hợp với các địa phương tổ chức 4 phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại các huyện Long Mỹ, Châu Thành và Vị Thủy.

Còn ở Long An, như kế hoạch của Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh, năm 2019 sẽ tổ chức 10 phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa và khu, cụm công nghiệp với kinh phí tổ chức trên 800 triệu đồng.

Thống kê của Trung tâm Xúc tiến thương mại Hậu Giang cho thấy, mỗi phiên chợ trên địa bàn tỉnh bình quân thu hút khoảng hơn 20.000 lượt khách tham quan và duy trì số lượng khá đông trong thời gian dài. Những con số này phần nào thể hiện sức hút của các phiên chợ đối với người tiêu dùng ở khu vực nông thôn.

Một thành công nữa của những phiên chợ là tạo môi trường tương tác giữa doanh nghiệp (DN) Việt với người tiêu dùng. Ở đó, DN có thể tiếp nhận những ý kiến phản hồi từ nhiều đối tượng khách hàng, tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, nhất là ở khu vực nông thôn.

Các phiên chợ thường có khoảng 20 gian hàng thương hiệu Việt của 8 - 10 DN trong và ngoài tỉnh tham gia. Các gian hàng Việt đều được bố trí, sắp xếp ở nơi dễ thấy, dễ tiếp cận, tạo không gian thoải mái cho khách hàng tham quan; DN dễ dàng giới thiệu, tư vấn. 

Những phiên chợ tạo niềm tin ảnh 1 Một phiên chợ hàng Việt tại tỉnh Đồng Tháp thu hút doanh nghiệp Tây Ninh tham gia

Theo Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Long An, tỉnh tổ chức các phiên chợ nhằm hướng tới đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, khu, cụm công nghiệp trong tỉnh.

Phiên chợ ở Long An có quy mô lớn hơn. Mỗi phiên chợ có gần 40 DN, cơ sở kinh doanh trong và ngoài tỉnh tham gia trưng bày, quảng bá, bày bán nhiều sản phẩm như hóa mỹ phẩm, quần áo may sẵn, bách hóa tổng hợp. Các phiên chợ là dịp để người tiêu dùng địa phương được tiếp cận các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao, phong phú về chủng loại, có giá cả phù hợp.

Đồng thời, tạo cơ hội cho các DN sản xuất, kinh doanh tiếp cận thị trường nông thôn, từng bước xây dựng mạng lưới kinh doanh, phân phối mở rộng thị trường, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng tại khu vực nông thôn.

Tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng Việt

Đánh giá của các địa phương cho thấy, việc liên tục tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn là giải pháp kích cầu thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nội địa hiệu quả.

Bên cạnh đó, các phiên chợ này còn tạo điều kiện để kết nối giữa các DN, nhà phân phối, đại lý bán lẻ với người tiêu dùng. Từ đó nâng cao nhận thức tiêu dùng của người dân địa phương; đồng thời, tạo thêm nơi mua sắm hàng hóa thuận lợi phục vụ người dân nơi tổ chức.

Như chia sẻ của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Thuận Hòa (xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, Hậu Giang), dù đã là sản phẩm quen thuộc với không ít người tiêu dùng địa phương nhưng những phiên chợ hàng Việt là cơ hội để tăng độ nhận diện thương hiệu của HTX.

Bởi, hiện nay có nhiều cơ sở sản xuất cùng một mặt hàng, ngoài nỗ lực nâng chất lượng thì sự phổ biến của thương hiệu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức tiêu thụ.

Theo đánh giá của ông Đoàn Minh Triết, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang, dù các phiên chợ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng khá khả quan. Như ở phiên chợ Tự hào hàng Việt Nam (do Sở Công thương phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh và UBND huyện Chợ Mới tổ chức), đã đạt doanh thu gần 280 triệu đồng, thu hút khoảng 3.500 lượt khách đến tham quan mua sắm.

Qua đó, có thể nhận thấy nhu cầu về mua sắm hàng Việt của người dân rất cao. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, để tạo sức hút trong thời gian ngắn và đạt hiệu quả lâu dài là tạo được niềm tin bền vững của khách hàng vào hàng Việt, các DN cần nỗ lực tăng chất lượng, đổi mới mẫu mã sản phẩm và hạ giá thành để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần có giải pháp để sớm hoàn thiện hạ tầng thương mại, tạo điều kiện cho các DN tham gia các hoạt động xúc tiến, mở rộng kinh doanh và triển khai nhiều điểm bán cố định ở khu vực nông thôn để người tiêu dùng có nhiều cơ hội mua sắm hàng Việt có thương hiệu và chất lượng.

Tin cùng chuyên mục