Những ước mơ bên ngoài giảng đường

Tháng 3, người ta hay nhắc nhiều về Tháng Thanh niên, về một lớp người  trẻ với những hoài bão lớn, những giấc mơ để khẳng định mình từ thành tích dưới mái trường đến những cuộc thi quốc tế. Tuy nhiên, thanh niên hay thế hệ gen Y, gen Z của thời hiện đại cũng khác nhiều… Họ có những lựa chọn, những giấc mơ không đến từ giảng đường.

Đại học không phải là con đường duy nhất, nhưng đó là cách để mỗi người hoàn thiện kỹ năng chuyên môn cho mình hiệu quả. Không phải ai cũng đủ cơ hội và điều kiện để vào đại học - câu chuyện tưởng chừng chỉ phổ biến ở những thế hệ trước… Trong xã hội phát triển hiện nay, chuyện vào đại học dễ dàng hơn rất nhiều; nhưng vẫn còn đó một vài bạn trẻ chưa kịp đến giảng đường vì nhiều lý do, vì khó khăn, vì học lực chưa phù hợp hay đơn giản hơn, họ có những ước mơ khác ngoài giảng đường để theo đuổi.

Tại những đô thị lớn hay những tỉnh, thành có điều kiện kinh tế phát triển, học gì sau khi tốt nghiệp THPT không thiếu lựa chọn cho bạn trẻ… Nhưng ở những vùng quê còn khó khăn, đường đến trường cũng không ít nhọc nhằn. Tất nhiên, con số này ít hơn trước đây rất nhiều, nhưng vẫn có những bạn trẻ ở trường hợp như vậy.

Phạm Thanh Trí (người sáng lập EcoFish Việt Nam) hay Minh Trương (sáng lập Fanpage Saigon Viewers với hơn 22.000 lượt theo dõi)… đều là những bạn trẻ 9X chưa bước vào cổng trường đại học. Trí chia sẻ: “Em chưa có cơ hội học đại học và tiếp tục miệt mài với hành trình xây dựng lối sống xanh, chia sẻ kiến thức và những dự án vì cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường”. Minh Trương lại quan niệm: “Học cái gì cũng tốt, nhưng quan trọng là bạn có thật sự thích và hạnh phúc với điều đó không. Bạn muốn thì sẽ có rất nhiều cách để học tập và nâng cao kỹ năng”.

Thành công hay thất bại với những bạn trẻ hiện đại gần như không hẳn là chuẩn mực chung mà xã hội nhìn nhận, điều quan trọng là biết mình cần gì, muốn gì và làm gì để có ích. Học đại học hay không vẫn luôn là câu chuyện đi giữa 2 chiều ý kiến, nhìn nhận nó như thế nào là tùy thuộc vào mỗi người. Và lựa chọn con đường nào để đi là bản lĩnh mà mỗi người trẻ cần phải có.

Tháng ba, nhiều người nói đến hai chữ “cống hiến” của người trẻ hôm nay. Đừng hiểu “cống hiến” như một điều gì đó thật lớn lao, đừng đong đếm hai chữ “cống hiến” bằng lăng kính xưa cũ, định lượng. Hãy nghĩ rằng, người trẻ hiện đại có hoài bão, họ theo đuổi ước mơ của mình đến tận cùng, tận lực. Đó là họ đã tận tâm cống hiến sức trẻ của mình cho cuộc đời này… 

Tin cùng chuyên mục