Nhường “đất vàng” cho văn hóa?

Những câu chuyện như nhà hát nhưng không có rạp để hát, phát triển công nghiệp văn hóa nhưng tìm đỏ mắt cũng không thấy quỹ đất ưu ái dành để xây dựng rạp chiếu phim, quảng trường, không gian văn hóa…  là những tồn tại nhiều năm qua ở các đô thị lớn. 

Theo nhiều chuyên gia và nhà hoạch định chính sách, đây cũng chính là một trong những nút thắt làm chậm lại nhịp phát triển của văn hóa trong thời điểm này.

Thực tế cho thấy, ở Hà Nội, văn hóa đang đóng góp khoảng 3,7% vào GDP của thành phố. Con số này cao hơn so với các địa phương khác, nhưng so với các thành phố ở các quốc gia khác có điều kiện tương đương thì tỷ lệ này của Hà Nội thấp hơn rất nhiều.

Chẳng hạn, công nghiệp văn hóa ở Anh chiếm 7% GDP, Hàn Quốc lên tới 10%...  Rõ ràng chúng ta đã sở hữu “tài sản” văn hóa đầy tiềm năng với nhiều di sản phi vật thể như quan họ, ca trù, đờn ca tài tử… cùng hàng ngàn lễ hội, sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống đậm đà bản sắc, bao nghệ sĩ tài năng, tâm huyết, song để tiềm năng thành của cải vẫn là bài toán khó.

Nguyên nhân được chỉ ra là các sản phẩm văn hóa chưa đa dạng, chưa mang tính bản sắc, độc đáo; chưa nhận diện được giá trị văn hóa từ di sản một cách sâu sắc, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu, thông tin chuyên ngành cho công nghiệp văn hóa. Đồng thời, thiếu kỹ năng chuyên môn và quản lý trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa; cơ chế đầu tư cho công nghiệp văn hóa còn chưa hợp lý; thiếu liên kết chuyên ngành; thiếu tư vấn thiết kế và nhà sáng tạo ở trình độ cao, đẳng cấp quốc tế…

Song có lẽ yếu tố then chốt vẫn là chưa tạo được niềm tin ở thế mạnh văn hóa để có những đầu tư xứng tầm. Chưa có những đầu tư về hạ tầng đủ mạnh để tạo ra những cú hích thúc đẩy sự phát triển của văn hóa, biến văn hóa thành một lợi thế, thành sức mạnh mềm trong việc thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, xã hội. 

Trên thế giới cũng đã ghi nhận xu hướng chuyển đổi cơ sở công nghiệp cũ thành không gian văn hóa sáng tạo thành công như: Khu văn hóa nghệ thuật 798 Art Zone tại Trung Quốc, Công viên văn hóa đa năng Zeche Zollverein ở Đức, hay Trung tâm Nghệ thuật sáng tạo lưu trú nghệ sĩ Treasure Hill ở lãnh thổ Đài Loan…

Bởi thế, các nghệ sĩ Việt cũng không phải quá viển vông khi xây dựng mơ ước khởi nghiệp bằng văn hóa; hiện thực hóa mong muốn tạo dựng những không gian văn hóa, từ nhà máy, công xưởng cũ… trong thành phố. Sẽ không còn là giấc mơ nếu một ngày nào đó những khu công xưởng - “đất vàng” ở nội đô được ưu tiên cho văn hóa sẽ trở thành “kim cương” nhờ văn hóa.

Tin cùng chuyên mục