Niềm đam mê ở tuổi thất thập

Ở tuổi 72, ông Trịnh Đức Chinh (ngụ phường 2, quận Bình Thạnh, TPHCM) vừa nhận tấm bằng thạc sĩ thứ 2 ngành Quản trị kinh doanh (Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM). Đáng tự hào khi ông còn là thủ khoa toàn khóa. Với ông Chinh, sự học luôn là một đam mê và cần trau dồi mỗi ngày. Có như vậy, ông mới thêm cơ hội khám phá và hiểu biết ở những lĩnh vực chưa có cơ hội được trải nghiệm. 
Ông Trịnh Đức Chinh (giữa) trong ngày bảo vệ luận văn tốt nghiệp cao học
Ông Trịnh Đức Chinh (giữa) trong ngày bảo vệ luận văn tốt nghiệp cao học

Điều gì tốt thì làm

 Bước vào quán cà phê quen thuộc, kêu ly nước xong, ông Chinh mở máy tính để bắt đầu ngày mới. Thói quen mỗi buổi sáng của ông từ nhiều năm nay là tìm hiểu các thông tin mới từ báo chí. Chiếc máy tính trở thành người bạn thân giúp ích cho ông rất nhiều trong việc tìm kiếm thông tin, cập nhật kiến thức mới. “Cuộc sống đã có nhiều thay đổi so với trước. Giờ đây, công nghệ đang chiếm lĩnh, nếu mình không mày mò tìm hiểu thì e rằng ngày càng tuột lại phía sau”, ông Chinh bắt đầu câu chuyện về sự học của mình. Ông nói, bản thân vốn là kỹ sư điện tử, thế nhưng nhiều lúc ông bức bối bởi khi ngồi vào máy tính, có nhiều chương trình ông không biết sử dụng nên ông quyết tâm đi tìm học. 

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, cha ông từng tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Là anh cả trong gia đình có 8 anh em, ông luôn tự nhủ mình phải cố gắng học tập để làm gương cho các em. Thế nhưng, chỉ đến khi về hưu (12 năm trước), ông mới chính thức bước vào sự học để thỏa niềm đam mê của bản thân. Bởi khi còn nhỏ, ông đi học theo nguyện vọng của gia đình và sự phân công của nhà nước. Tốt nghiệp đại học trong nước, năm 1968, ông được cử sang Ba Lan học Thạc sĩ ngành Vô tuyến điện. Về nước, ông được phân công vào làm tại Cục Đăng kiểm. Thấy mình còn thiếu chuyên môn, ông đăng ký học và trở thành kỹ sư vỏ tàu. Đến khi nghỉ hưu, thấy mình dư thời gian nhưng bản thân còn thiếu các kiến thức về xã hội, ông đăng ký học đại học từ xa ngành Kế toán tài chính (khóa 2012-2016). Tốt nghiệp xong, ông tiếp tục đăng ký học Luật kinh tế (2016-2019) và tốt nghiệp với số điểm 9,9. 

Ở cái tuổi nhiều người sống an nhàn, vui vầy bên con cháu, sáng uống trà, chăm cây, nhưng ông Chinh lại chọn con đường tiếp tục việc học tập với mong muốn bản thân có thêm kiến thức để tư duy sâu hơn về cuộc sống, về chuyên môn. Với ông, học là để bản thân thêm hiểu biết. “Ngày đầu của khóa học, tôi đến lớp và ngồi bàn đầu. Nhiều học viên đến chào vì tưởng tôi là giảng viên. Cũng có người tò mò hỏi tôi học rồi lấy tấm bằng để làm gì ở cái tuổi này. Thật tình, tôi có cần bằng cấp làm gì đâu. Chỉ là vì tôi thấy việc đó tốt cho mình thì tôi làm”, ông Chinh kể.

Học nữa, học mãi…

 Hình ảnh người học viên với mái tóc bạc phơ luôn chọn ngồi bàn đầu đã truyền cảm hứng cho nhiều học viên cùng lớp. Trong lớp, ông Chinh là học viên cao tuổi nhất, nhưng lại là người chăm học và luôn có những ý tưởng, câu hỏi hay giúp buổi học thêm sinh động. “Tuổi cao cũng hay khiến tôi lúc nhớ, lúc quên. Để bù lại, tôi cố gắng lắng nghe giảng viên giảng bài ở lớp và tìm đọc các tài liệu để bổ trợ. Nhờ đó, quá trình học tập của tôi không gặp nhiều khó khăn”, ông Chinh chia sẻ. 

Suốt 2 năm học, ông luôn là người đến lớp sớm nhất. Nhà cách trường khoảng 3km, hàng ngày ông thường đi bộ đến lớp, ngày mưa thì ông đi xe máy và chưa vắng buổi học nào. Điều khiến các học viên, có người còn nhỏ tuổi hơn con của ông, càng thêm kính phục ở ông là kết quả học tập và bảo vệ luận văn cuối khóa đạt 9.0 và trở thành thủ khoa toàn khóa. 

Với ông Chinh, sự học không bao giờ thừa và không phân biệt tuổi tác. Ông Chinh bày tỏ, Bác Hồ từng nói việc học phải cần thiết suốt đời bởi tri thức nhân loại là một kho tàng vô cùng phong phú. Nếu ta ngừng học tập thì sẽ bị lạc hậu, thụt lùi. Bên cạnh đó, việc học tạo cho ông tinh thần tốt. Chính những suy nghĩ ấy, tính đến nay, ông Chinh đã nỗ lực học tập để có 4 bằng đại học, 2 bằng thạc sĩ và nhiều chứng nhận, chứng chỉ từ các khóa ngắn hạn. Từ những kiến thức tích lũy được, ông trở thành “cuốn bách khoa toàn thư” sống động để khi con cháu cần hỏi gì thì có thể giải đáp ngay. Rồi mỗi năm học mới, ông lại mua thêm một bộ sách giáo khoa để tự nghiên cứu và hướng dẫn các cháu của mình cùng cố gắng.

Không chỉ có tinh thần học nữa, học mãi, ông Chinh còn là người truyền đạt kiến thức cho các thế hệ sau. Với gần 20 năm giảng dạy tại Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM và tham gia giảng dạy các nơi, ông Chinh nhận ra kiến thức cần được trau dồi và bồi đắp mỗi ngày. Đó cũng là lý do ông chọn con đường học tập xuyên suốt cho đến giờ, khi đã qua tuổi “thất thập cổ lai hy”. Ông Chinh chia sẻ, ông đã nộp hồ sơ tiếp tục học lên tiến sĩ, bởi với ông, đường học còn thênh thang phía trước.

Theo ông Nguyễn Minh Hùng, Bí thư chi bộ Khu phố 1 (phường 2, quận Bình Thạnh), với tinh thần học tập của mình, ông Chinh là tấm gương sáng hiếu học của địa phương thời gian qua. Tinh thần ham học hỏi của ông Chinh không chỉ tác động đến con cháu trong gia đình mà còn lan tỏa ra cộng đồng, xã hội để thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Ông Hùng cho biết, khi chi bộ phát động chương trình học tập thì người đảng viên 42 tuổi đảng Trịnh Đức Chinh luôn xung phong đi đầu. Ông Chinh còn là người có nhiều đóng góp cho các chương trình an sinh xã hội, chương trình khuyến học, khuyến tài của địa phương.

Tin cùng chuyên mục