(SGGPO).- Ngày 13-12, tại TPHCM, Hiệp hội Phân bón Việt Nam phối hợp với các bộ ngành liên quan gồm: Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính và Bộ Công thương đã tổ chức hội thảo “Về cơ chế bao cấp, ưu đãi, bình đẳng và bình ổn trong các doanh nghiệp ngành phân bón”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hạc Thúy, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp rất nhiều khó khăn, nhưng ngành sản xuất phân bón Việt Nam vẫn đang phát triển rất tốt. Sắp tới đây, các nhà máy như Nhà máy Phân bón Ninh Bình (công suất 560.000 tấn ure hạt trong/năm), Nhà máy Phân đạm Cà Mau (công suất 800.000 tấn ure hạt đục/năm), Nhà máy Phân bón Hà Bắc mở rộng phát triển lên công suất 500.000 tấn ure/năm và các nhà máy sản xuất các loại phân bón khác như phân bón hữu cơ công nghiệp, hữu cơ sinh học, hữu cơ khoáng, hữu cơ vi sinh, đặc biệt là các loại phân bón NPK của Công ty Phân bón Bình Điền được mở rộng phát triển từ 650.000 tấn lên đến 1.000.000 tấn… sẽ giúp cho thị trường phân bón Việt Nam không chỉ giữ được sự bình ổn, hạn chế nhập siêu, mà còn chấm dứt tình trạng khan hiếm nguồn hàng mỗi khi vào mùa vụ và hướng đến xuất khẩu trong một tương lai gần, bởi lẽ nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp của nước nhà chỉ ở vào khoảng 1,1 triệu đển 1,2 triệu tấn/năm.
Đề cập đến vấn đề bình đẳng trong kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường phân bón, đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, cần tạo ra môi trường và cơ chế kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp kinh doanh trong cùng ngành phân bón. Cần phải có một chính sách chung, một khung giá chung cho tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh cùng thực hiện. Đề làm được điều này thì việc xóa bỏ bao cấp, xóa bỏ ưu đãi nguyên liệu đầu vào (như điện, than, khí…) trong sản xuất phân bón là hết sức cần thiết và đó cũng chính là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mà ngành phân bón Việt Nam cần phải sớm triển khai thực hiện trong bối cảnh hiện nay.
Thu Tuyết