Tính đến nay, các địa phương đã hoàn tất các khâu trọng yếu của kỳ thi, nhất là công tác đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo thí sinh dự thi được an toàn.
Đảm bảo các khâu trọng yếu
Theo Bộ GD-ĐT, năm nay có 900.152 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, tăng hơn 13.500 thí sinh so với năm trước. Trong đó, 51.712 (chiếm 5,74%) là thí sinh tự do. Số thí sinh đăng ký dự thi bài tổ hợp Khoa học tự nhiên là 296.158, chiếm 32,9% tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Số thí sinh dự thi bài tổ hợp Khoa học xã hội là 498.516, chiếm 55,38%. So với năm 2019, tỷ lệ thí sinh đăng ký bài tổ hợp Khoa học xã hội tăng, nghĩa là bài tổ hợp Khoa học tự nhiên giảm đi.
Năm 2020, quy chế thi tốt nghiệp THPT có sự điều chỉnh, thí sinh chỉ đăng ký 1 trong 2 bài thi tổ hợp thay vì được dự thi cả 2 để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Trong tổng số 900.152 thí sinh, có 643.122 em đăng ký xét tuyển đại học (chiếm 71,45%), giảm 9.878 thí sinh so với năm 2019. Tổng số nguyện vọng (NV) là 2.490.171, trong đó tập trung phần lớn ở các NV từ 1 đến 5 (chiếm 83,3% tổng số NV).
Đánh giá về công tác chuẩn bị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng các địa phương đã chuẩn bị rất tốt các khâu trọng yếu như: bảo quản đề thi, in sao đề và công tác chấm, đảm bảo an toàn cho thí sinh lẫn cán bộ tham gia. Công tác tập huấn cho cán bộ coi thi, thanh tra, giám sát được triển khai rất kỹ qua kiểm tra đánh giá nghiệp vụ sau tập huấn. Với diễn biến phức tạp của Covid-19, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp quốc gia năm 2020 luôn chỉ đạo để các địa phương đảm bảo an toàn cho thí sinh, cán bộ tham gia kỳ thi.
Tất cả điểm thi an toàn phòng chống dịch
Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, đến chiều 6-8, công tác khử khuẩn khu vực phòng thi đã hoàn tất tại 115 điểm thi với 3.164 phòng thi trên địa bàn. Chiều mai (8-8), gần 75.000 thí sinh sẽ tập trung tại điểm thi để nghe phổ biến quy chế, làm thủ tục và chỉnh sửa sai sót thông tin. Các em được hướng dẫn đeo khẩu trang từ nhà đến điểm thi, vào phòng thi và tận chỗ ngồi, đảm bảo quy định về giãn cách, không nói chuyện riêng. Những thí sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở sẽ được báo cáo để cán bộ y tế theo dõi, chăm sóc cũng như ổn định tâm lý trước khi vào phòng thi dự phòng.
Thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội, năm nay có gần 80.000 thí sinh dự thi ở 143 điểm thi ở tất cả quận huyện. Hà Nội huy động hơn 10.000 cán bộ giáo viên, 1.500 cán bộ bảo vệ an ninh, trên 300 giáo viên làm cán bộ thanh tra tại các điểm thi, vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa đảm bảo kỳ thi nghiêm túc nhất. 143 điểm thi đã được chuẩn bị đầy đủ các phương tiện chống dịch như nước rửa tay, khẩu trang. Các trung tâm y tế quận huyện sẽ cử người đo thân nhiệt cho tất cả cán bộ, học sinh tham gia kỳ thi.
Tính đến ngày 6-8, Ban chỉ đạo thi TP Hà Nội chưa nhận được báo cáo nào về trường hợp thí sinh thuộc đối tượng F1. Có 3 trường hợp diện F2 (2 ở quận Hoàng Mai, 1 ở quận Ba Đình) sẽ dự thi vào đợt 2, theo đúng chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.
Ngày 6-8, tỉnh Quảng Trị tiến hành lấy mẫu xét nghiệm 246 thí sinh chuẩn bị tham gia kỳ thi vừa trở về từ vùng có dịch Covid-19. Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị cho biết, địa phương có 2 học sinh lớp 12 bị kẹt lại Đà Nẵng, sở đã kiến nghị Bộ GD-ĐT cho phép 2 thí sinh này dự thi đợt 2, cùng với thí sinh vùng có dịch.
Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam cho biết, 12 huyện thị không thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn (gồm: Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Nông Sơn, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang) thi cùng với cả nước. 6 huyện thị đang thực hiện giãn cách xã hội: Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình sẽ thi đợt 2 vào thời điểm thích hợp. Đối với thí sinh diện F1, F2 phải chờ thi đợt sau với 6 huyện thị đang giãn cách.
Với 3 ca mắc Covid-19, UBND tỉnh Đắk Lắk đã quyết định giãn cách xã hội đối với TP Buôn Ma Thuột từ 0 giờ ngày 3-8 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, do đó, riêng thí sinh tại TP Buôn Ma Thuột sẽ thi đợt 2. Các thí sinh diện F1, F2, địa phương sẽ phối hợp rà soát danh sách cụ thể và sẽ thi đợt sau.
Tại các tỉnh ĐBSCL, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đã sẵn sàng. Các điểm thi đã lên phương án phòng chống Covid-19 và đảm bảo điều kiện để kỳ thi thành công.
Ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND huyện U Minh tỉnh Cà Mau, cho hay: “Huyện đã chỉ đạo đảm bảo mọi điều kiện để kỳ thi an toàn tuyệt đối, nhất là trong lúc dịch bệnh. Chúng tôi sẽ kiểm soát tốt người đến và đi, chủ động khoanh vùng khi có tình huống xảy ra”. Tất cả các điểm thi được phun khử khuẩn, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch như: nước sạch, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, máy đo thân nhiệt, khẩu trang, phòng thi dự phòng, phòng y tế, có đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế thiết yếu. Thí sinh khi có dấu hiệu bất thường như ho, sốt hoặc khó thở... phải báo ngay cho điểm thi để được xử lý kịp thời.
Tại Kiên Giang, năm nay có khoảng 12.460 thí sinh dự thi, ngành giáo dục đã bố trí hơn 1.500 cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi. Những ngày qua, Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn Kiên Giang và các đơn vị liên quan tổ chức tiếp sức mùa thi; hỗ trợ ăn nghỉ, phương tiện đi lại cho các em hoàn cảnh khó khăn. Sở GTVT có kế hoạch vận chuyển đề thi, bài thi, cán bộ ra huyện đảo Phú Quốc an toàn.
Chiều 6-8, bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 của tỉnh đã hoàn tất. Tại 21 điểm thi, Hội đồng thi đã bố trí 496 phòng thi, hơn 120 phòng thi dự phòng, phòng chờ, đảm bảo thuận lợi cho thí sinh và cán bộ. Riêng điểm thi THPT Võ Thị Sáu (huyện Côn Đảo), Sở phối hợp với công an tỉnh cử người áp tải đề thi ra Côn Đảo, tổ chức bảo quản bài thi tại đây và áp tải bài thi từ Côn Đảo về nơi bàn giao.
Tại Bình Thuận, 192 thí sinh ở huyện đảo Phú Quý dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được Sở GD-ĐT phối hợp với Tỉnh đoàn Bình Thuận đưa vào đất liền an toàn.
Tỉnh Đồng Nai và Bình Phước cho biết, công tác phòng chống Covid-19 được triển khai tại tất cả điểm thi trên địa bàn nhằm đảm bảo an toàn cho kỳ thi. Ngày 6-8, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai còn yêu cầu các trường và trung tâm GDTX rà soát các thí sinh diện F1, F2 phải thực hiện cách ly và bố trí thi tốt nghiệp đợt 2.
Các trường đại học xuất quân tham gia công tác thiNgày 6-8, nhiều trường đại học (ĐH) tại TPHCM đã đưa các cán bộ tham gia công tác kiểm tra, thanh tra phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT theo điều động của Bộ GD-ĐT. Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, ngày 3-8, Bộ GD-ĐT đã có công văn khẩn quyết định điều chỉnh phân công cơ sở giáo dục ĐH tham gia đoàn kiểm tra công tác coi thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Trong đó, 3 trường ĐH tại Đà Nẵng thôi không tham gia công tác thi gồm: Trường ĐH Thể dục Thể thao, Trường ĐH Đông Á và Trường ĐH Kỹ thuật Y dược. Bộ GD-ĐT quyết định nhiều trường ĐH khác được điều chuyển sang địa phương khác. Theo đó, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (71 người) và Trường ĐH Ngân hàng TPHCM (38 người) sẽ đi làm công tác kiểm tra thi tại Tiền Giang. Tiền Giang có 27 điểm thi, mỗi điểm ít nhất 2 cán bộ kiểm tra, nhiều nhất 7 người. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM và Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM được quyết định điều chuyển từ Đắk Lắk sang Gia Lai q |