Nỗ lực mới của Nga

Nga chủ trì hội nghị quốc tế về tiến trình hòa bình Afghanistan vào ngày 18-3. Đây là cuộc hòa đàm đầu tiên do Nga tổ chức với nội dung chính bàn về chính phủ lâm thời tại Kabul và biện pháp chấm dứt bạo loạn. Tham dự cuộc gặp có đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad, đại diện của Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban cùng đại diện từ Pakistan và Trung Quốc.
Hội nghị về tiến trình hòa bình Afghanistan tại Moscow ngày 18-3. Ảnh: REUTERS
Hội nghị về tiến trình hòa bình Afghanistan tại Moscow ngày 18-3. Ảnh: REUTERS

Sự hiện diện của ông Khalilzad là dấu hiệu cho thấy Washington muốn có thêm sự tham gia của các nước lớn trong khu vực đối với hòa bình Afghanistan. Theo các nhà quan sát, sự chuyển hướng này xuất phát từ các cuộc hòa đàm do Washington chủ trì tại Qatar đang bị đình trệ. Mỹ đang cần thêm sức ép nhằm hối thúc Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, các lãnh đạo chính trị khác của Afghanistan và các phần tử nổi dậy Taliban cùng nhau thành lập một chính phủ lâm thời trong thời gian sớm nhất. 

Nan giải ở chỗ, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã bác bỏ ý tưởng về một chính phủ lâm thời, cho rằng các nhà lãnh đạo Afghanistan chỉ nên được lựa chọn thông qua bầu cử. Taliban cũng bày tỏ sự hoài nghi đối với việc thành lập chính phủ lâm thời.

Mullah Abdul Ghani Baradar, người đồng sáng lập và là phó thủ lĩnh của Taliban, nói với những người tham gia hòa đàm ở Moscow: “Thế giới nên tính đến các giá trị Hồi giáo, nền độc lập và lợi ích quốc gia của người dân. Vì vậy, vấn đề của Afghanistan phải do người Afghanistan quyết định”. 

Nhìn chung, mục tiêu của Nga và Mỹ ở Afghanistan tương đồng với nhau. Cả hai nước đều muốn có chính phủ lâm thời và chấm dứt chiến tranh. Điều này đúng khi Washington đang mệt mỏi với cuộc chiến tại Afghanistan đã kéo dài gần 20 năm (tháng 10-2001). Theo số liệu của USA Today, Mỹ đã chi hơn 2.000 tỷ USD và thiệt hại nhân mạng 2.300 người trong cuộc chiến nhưng al-Qaeda vẫn tồn tại và chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bám rễ ở phía Đông nước này. 

Về phía Nga, theo các nhà phân tích, Moscow tin rằng điều cần thiết là duy trì quan hệ tốt với cả chính phủ trung ương Afghanistan lẫn các đảng phái tại nước này, nhất là các nhà lãnh đạo địa phương giáp với các nước Trung Á thuộc Liên Xô trước đây.

Đây là lý do tại sao ông Atta Muhammad Nur, lãnh đạo cộng đồng người Tajik tại Afghanistan, là khách mời quan trọng trong tất cả các cuộc hòa đàm ở Moscow về Afghanistan. Cách tiếp cận này sẽ cho phép Nga duy trì quan hệ tốt với Afghanistan trong mọi trường hợp. Vì ở vị trí gần Afghanistan hơn rất nhiều so với Mỹ, Nga không thể chấp nhận rủi ro khi áp dụng chiến lược một chiều.

Tin cùng chuyên mục