
Tính đến ngày 15-8-2008, Khoa Điều trị triệu chứng và giảm đau (khoa Cận tử) của Bệnh viện Chợ Rẫy hoạt động được 5 năm. Trong 5 năm qua, hàng trăm lượt bệnh nhân vào ra nơi này, có người ra viện rồi vài tháng lại quay trở lại điều trị, nhưng có những người chỉ vào một lần rồi vĩnh viễn ra đi. Chính vì thế y bác sĩ làm việc tại khoa này xác định, mỗi một ngày sống của bệnh nhân tại đây là một ngày có ý nghĩa và phải giúp họ thấy được ý nghĩa của cuộc sống…

Bác sĩ Nguyễn Văn Thuận (đứng), Trưởng khoa điều trị triệu chứng và giảm đau đang thăm hỏi bệnh nhân. Ảnh: A.T.
“Làm bác sĩ, ai cũng muốn nhìn thấy bệnh nhân của mình ngày càng khỏe mạnh, ai cũng mong công việc chữa trị của mình mang lại hiệu quả tốt nhất cho người bệnh… Thế nhưng, điều buồn nhất đối với chúng tôi là, bệnh nhân của mình hầu hết đều đang ở giai đoạn cuối. Những nỗ lực trong điều trị cũng chỉ nhằm làm dịu bớt những cơn đau…” - Bác sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Điều trị triệu chứng và giảm đau nói về công việc của khoa mình.
Nhìn lướt qua 36 bệnh nhân đang nằm điều trị tại khoa, chúng tôi hiểu rất rõ nỗi buồn của cả người bệnh lẫn thân nhân của họ khi nhìn thấy thời gian đang ngắn dần trước mắt họ. 100% bệnh nhân ở đây đều vướng căn bệnh ung thư và hầu như tất cả đều ở vào giai đoạn cuối.
Biết rõ bệnh trạng của thân nhân mình nhưng người nhà không nỡ nhìn họ đau đớn vật vã nên đưa họ vào bệnh viện, với mong muốn được các bác sĩ chăm sóc.
Dù biết điều trị cũng chỉ nhằm xoa dịu cơn đau, nhưng các y, bác sĩ vẫn làm hết sức mình để người bệnh giảm đau đớn, để họ thấy dễ chịu hơn trong những ngày cuối đời. Tiêu chuẩn cao nhất đặt ra cho các bác sĩ, điều dưỡng làm việc tại khoa này là hết sức đồng cảm với bệnh nhân, xem nỗi đau đớn của họ như của mình, nhẹ nhàng xoa dịu, an ủi họ, giúp họ vượt qua nỗi đau thân xác.
Thái độ thờ ơ, bỏ mặc bệnh nhân là không thể chấp nhận được, trái lại, làm được một chút gì để bệnh nhân cảm thấy dễ chịu họ đều làm hết sức mình.
Chính nhờ thái độ ân cần của đội ngũ y, bác sĩ tại khoa mà nhiều bệnh nhân cảm thấy yên tâm khi vào nằm ở đây. Có người đến đây từ khi khoa mới thành lập, sau nhiều lần ra vào, đến nay vẫn còn tiếp tục điều trị.
Bệnh nhân L.H.K, 42 tuổi, là một trong những người có “thâm niên” nằm điều trị ở đây. Cứ mỗi lần bệnh trở nặng, người nhà đưa anh vào bệnh viện, nằm điều trị đến khi đỡ bệnh lại về với gia đình.
Bệnh nhân T.T.L. từng là bác sĩ, cũng bị căn bệnh ung thư di căn tủy. Suốt 5 năm qua, chị được các đồng nghiệp ở khoa vừa điều trị, vừa ân cần tư vấn và động viên, an ủi nên dù bệnh đã ở vào giai đoạn cuối, chị vẫn thản nhiên chấp nhận số phận và tự chăm sóc cho những ngày cuối đời của mình.
Do điều kiện cơ sở chật hẹp, bệnh nhân phải nằm chen chúc nhau, hai người một giường. Nhìn cảnh những bệnh nhân bệnh nặng, phải trải qua những ngày vật vã đau đớn cuối đời trong cảnh chật vật như vậy, ai cũng thấy xót xa.
Bác sĩ Thuận cho biết, hiện nay, nhu cầu điều trị rất cao, nhưng do điều kiện không cho phép, nên khoa chỉ nhận từ 36 đến 40 bệnh nhân. Hy vọng, khi bệnh viện được sửa chữa xong, có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn, khoa sẽ tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhân để người bệnh có thể được chăm sóc tốt hơn.
Yến Nhi