Sáng 11-11, TPHCM đã khai mạc hội thảo khoa học với chủ đề “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay” do Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương tổ chức.
Đến tham dự hội thảo có các đồng chí: Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Thân Thị Thư, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy… cùng hàng trăm các nhà nghiên cứu, phê bình, văn nghệ sĩ đến tham dự, trao đổi, thảo luận về vấn đề này.
Lười biếng, thiếu tâm và chạy theo thị hiếu
Năm 1998, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã đề ra nhiệm vụ chăm lo phát triển kinh tế - xã hội song song với nhiệm vụ phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật, coi đó là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội. Tuy nhiên, trong Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI ngày 9-6-2014 vừa qua, Đảng ta đã thẳng thắn thừa nhận: “So với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng, chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng… Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục, tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng”.
PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh nhấn mạnh nguyên nhân của sự suy thoái có một phần trách nhiệm không nhỏ của hoạt động VHNT trong nước. Có quá ít các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, một số tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, chất lượng thấp, thậm chí có hại. Hoạt động lý luận phê bình VHNT chưa theo kịp thực tiễn sáng tác…
Nhà văn Đỗ Kim Cuông, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam, cho biết, hơn 30 năm trước khi manh nha cho công cuộc đổi mới, VHNT trong nước sôi sục với các tác phẩm đậm chất thời đại như kịch của Lưu Quang Vũ, tiểu thuyết của Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường… và nhiều truyện ngắn, bút ký khác đã gây chấn động dư luận bạn đọc, cảnh báo về sự xuống cấp đạo đức xã hội. Hiện nay, khi xã hội đang chuyển mình từng ngày thì VHNT lại thiếu vắng hẳn những tác phẩm phản ánh thời đại, trong các tác phẩm VHNT mới sáng tác thiếu hình bóng con người hôm nay với những nỗ lực vượt lên chính mình.
Nhà phê bình điện ảnh Ngô Ngọc Ngũ Long nêu một ví dụ về bộ phim Bụi đời Chợ Lớn. Bộ phim này bị cấm vì không phù hợp thực tế và lệnh cấm này gây nhiều tranh cãi vì sau đó Nhà nước lại duyệt cho chiếu những bộ phim Mỹ mà trong đó người ta có thể còn vác cả tên lửa bắn nhau trên đường phố. Bà Ngũ Long nhấn mạnh, nếu nói về bạo lực thì những phim Mỹ đó còn bạo lực hơn, nhưng khi kết phim, rời rạp thì điều đọng lại ở khán giả là sự nhẹ nhõm, bạo lực đã chống lại bạo lực, điều tốt được tôn vinh và điều xấu bị loại bỏ. Còn Bụi đời Chợ Lớn thì không, giang hồ chém giết, tất cả cùng chết. Người ta làm phim về cái xấu để chống lại cái xấu, còn ở ta nhiều tác phẩm mang danh phê phán cái xấu nhưng làm xong lại thành ra giống như là ủng hộ cái xấu.
Đừng đốt - bộ phim chuyển thể từ tác phẩm Nhật ký Đặng Thùy Trâm, một trong những tác phẩm ngợi ca lòng yêu nước.
Một thực tế khác cũng được nêu ra là có thời, nhà xuất bản, nhà làm phim rất e ngại các tác phẩm truyền thống như sách anh hùng, phim chiến tranh… Họ cho rằng những tác phẩm đó ít người xem, không đem lại lợi nhuận. Thậm chí có những cuốn sách, bộ phim được Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng làm ra cũng chỉ để xếp kho vì không ai xem. Thế nhưng, những hồi ký Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, những bộ phim như Đừng đốt, Những người viết huyền thoại đều dành được thành công vang dội cả về doanh thu lẫn nghệ thuật. Lý giải vấn đề này, bà Ngũ Long cho rằng không có người xem là do những người thực hiện đã làm việc bằng trái tim nguội lạnh, một cách làm thiếu lửa, thiếu tâm. Ví dụ điển hình như cuốn Nhật ký chiến tranh của liệt sĩ Chu Cẩm Phong cũng có giá trị, số phận không khác gì nhật ký Đặng Thùy Trâm nhưng khi nó được xuất bản hầu như chẳng ai để ý vì nó không được quảng bá xứng đáng.
Đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh nêu lên một thực tế khác, đó là sự lười biếng, thiếu tâm và chạy theo thị hiếu, nhiều tác giả trong nước không những không đào sâu trong sáng tác, phản ánh thực tế đất nước mà chỉ thuần túy sao chép từ các sản phẩm nước ngoài từ kịch bản, bối cảnh, diễn xuất… Kết quả là diễn viên thì Việt Nam, phim làm trong nước nhưng khán giả xem phim lại có cảm giác xa lạ do sai biệt về văn hóa, xã hội do kịch bản quá khác biệt.
Trách nhiệm không của riêng ai
Làm sao để VHNT góp phần xây dựng, nâng cao đạo đức xã hội là câu hỏi chính của hội thảo, nhưng lại có quá ít lời đáp. Ông Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương nêu ra 2 yếu tố quan trọng nhằm giải đáp câu hỏi trên. Yếu tố đầu tiên là trách nhiệm của văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ cần phân biệt được cái gì cần biểu dương, cái gì cần phê phán để thể hiện trong tác phẩm của mình dựa trên chuẩn mực quan trọng nhất là chân - thiện - mỹ, tức là cái đúng, cái tốt, cái đẹp.
Thế nhưng, cũng theo ông Hà Đăng, vai trò chấn hưng đạo đức xã hội, xây dựng và phát triển nhân cách con người không chỉ là trách nhiệm của riêng đội ngũ văn nghệ sĩ hay của những người làm VHNT mà còn có trách nhiệm của lãnh đạo và quản lý các cấp. Họ phải định hướng cho các hoạt động sáng tạo, “bà đỡ” cho các tác phẩm, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho sáng tác…
Đạo diễn Đặng Nhật Minh nhấn mạnh yêu cầu phải đổi mới phương thức lãnh đạo văn nghệ với điểm nhấn là sự tôn trọng sáng tạo của người nghệ sĩ. Việc chế tài cũng cần linh hoạt hơn như thay vì các lệnh cấm bằng việc phân loại tác phẩm phù hợp với từng lớp bạn đọc, khán giả. Gắn kết giữa văn hóa và việc giáo dục thế hệ trẻ và cuối cùng là đẩy mạnh công tác lý luận phê bình, hướng dẫn dư luận…
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM: Khám phá, sáng tạo những hình tượng đẹp từ cuộc sống
Tổ chức hội thảo vào thời điểm này rất có ý nghĩa khi Trung ương Đảng vừa tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa, VHNT tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và ban hành nghị quyết về xây dựng phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Hội thảo đã thể hiện tâm huyết trách nhiệm và tinh thần xung phong dẫn dắt của lực lượng văn nghệ sĩ, những chiến sĩ trong lĩnh vực VHNT. Đây là một tín hiệu tốt cho thấy Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI sẽ đi vào cuộc sống.
VHNT là một lĩnh vực rất đặc biệt của văn hóa, là một lĩnh vực của khám phá, sáng tạo và cảm xúc, có sức truyền cảm, ý nghĩa giáo dục, định hướng và dẫn dắt rất lớn trong bồi dưỡng tình cảm, tâm hồn, đạo đức và lý tưởng cho con người vì nó chuyên chở và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của đạo lý làm người. Những hình tượng đẹp mà VHNT phản ánh, sáng tạo có sức hấp dẫn và dẫn dắt mạnh mẽ đối với con người nhất là giới trẻ. Có nhiều tác phẩm VHNT, nhiều hình tượng nghệ thuật đẹp đã thực sự là niềm cảm hứng lao động, sáng tạo, chiến đấu và cống hiến cho nhiều thế hệ người Việt Nam.
Trong thời gian qua, VHNT đã có nhiều cố gắng và thành công nhất định trong việc phản ánh cuộc sống, lao động và chiến đấu rất sinh động của các tầng lớp nhân dân Việt Nam. Một trong những thành công là chúng ta đã xây dựng được những hình tượng phê phán cái xấu, cái ác đang tồn tại trong đời sống xã hội. Việc làm đó đã tạo nên sự phê phán, phẫn nộ cần thiết và hơn thế nữa là làm thức tỉnh bản chất tốt đẹp và là định hướng dẫn dắt con người vươn lên những giá trị cao đẹp hơn.
Trong cuộc sống hiện nay, tuy tình hình suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận đảng viên có phần nghiêm trọng nhưng vẫn còn đó rất nhiều những tấm gương tốt trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Và nếu các văn nghệ sĩ của chúng ta làm tốt được việc khám phá, sáng tạo những hình tượng đẹp từ cuộc sống sinh động của đời sống xã hội thì sẽ góp phần rất tích cực đến việc xây dựng và bồi đắp tình cảm, lý tưởng cho con người.
Chúng tôi mong rằng kết quả của cuộc hội thảo lần này sẽ góp cho TPHCM những gợi mở hữu ích để xây dựng và phát triển con người TP trong nét chấm phá chung theo yêu cầu xây dựng và phát triển văn hóa của con người Việt Nam.
TPHCM hiện nay hay Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong quá khứ là nơi hội tụ của đông đảo những con người dám chấp nhận thử thách, chấp nhận khó khăn vượt qua gian khổ, luôn năng động, sáng tạo, máu nóng Lục Vân Tiên “giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha” nhưng hào hiệp và nhân hậu. Trong quá trình đổi mới, TPHCM được biết đến như một nơi góp phần hình thành và hoàn thiện đường lối đổi mới của đảng. Một trung tâm kinh tế lớn của vùng và cả nước.
TP luôn đặt ra yêu cầu cao đối với xây dựng và phát triển văn hóa. Như hiện tại, TP là nơi khởi xướng, thực hiện tốt các phong trào xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, chăm lo cho bệnh nhân nghèo, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng… mang lại kết quả tốt đẹp, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sinh động đạo lý tốt đẹp của dân tộc và bản chất tốt đẹp của chế độ chúng ta.
Mong muốn xây dựng TP văn minh hiện đại, nghĩa tình luôn đặt yêu cầu cao đối với xây dựng, phát triển văn hóa và con người. Đặt ra yêu cầu cao đối với đội ngũ đông đảo văn nghệ sĩ TP để làm sao có thật nhiều những phản ánh sáng tạo, sinh động, có những tác phẩm xứng tầm để góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ trong xây dựng bảo vệ và phát triển TP.
Chúng tôi rất đồng tình với ý kiến đã được nêu trong phát biểu đề dẫn và bài tham luận của đồng chí Hà Đăng khi đặt ra yêu cầu đòi hỏi phải xác định trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị trong chân dung đạo đức của xã hội hiện nay và chúng tôi coi đó cũng như là một phần trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, xây dựng phát triển văn hóa trên địa bàn TP.
TƯỜNG VY