Liên minh châu Âu (EU) đã có động thái nới lỏng chính sách thắt lưng buộc bụng, vốn gây ra làn sóng biểu tình rầm rộ khắp lục địa này thời gian qua, khi cho phép Pháp, Tây Ban Nha thêm 2 năm để cắt giảm thâm hụt xuống mức trần quy định tương đương 3% tổng sản phẩm nội địa (GDP). EU cũng cho phép Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Slovenia thêm 1 năm để đưa thâm hụt về mức trần 3% GDP. Dù chưa trực tiếp thừa nhận nhưng giới quan sát cho rằng đã đến lúc các nhà lãnh đạo EU nhận thấy sự kém hiệu quả của chính sách này.
Theo Wall Street Journal, cho đến nay, hậu quả mà người ta thấy rõ nhất từ các biện pháp thắt lưng buộc bụng là tiêu chuẩn sống suy giảm, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên mức cao kỷ lục. Ủy ban châu Âu trong một báo cáo công bố hồi đầu tháng 5-2013 cũng tiên đoán nền kinh tế của 17 nước thành viên Eurozone sẽ co cụm trong năm 2013, còn 27 thành viên EU tăng trưởng ít, ở mức 0,1%, giảm 0,3% so với mức dự báo trước đó. Đáng chú ý là những dữ liệu thất vọng nhất lại đến từ Pháp - quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu. EC dự đoán, tăng trưởng kinh tế của Pháp chỉ còn khoảng 0,1% trong năm 2013, còn tỷ lệ thất nghiệp ở mức 10,7%. Ngay cả Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cũng chỉ hy vọng tăng 0,5% trong năm nay.
Thực tế cho thấy từ năm 2010, khi Hy Lạp áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng một cách triệt để đổi lấy gói hỗ trợ tài chính đầu tiên trị giá 110 tỷ EUR của ECB, EC và Quỹ Tiền tệ quốc tế, kinh tế nước này liên tục xuống dốc. Italia và Tây Ban Nha tuy chưa phải ngửa tay nhận tiền của quốc tế, nhưng dự báo tốc độ tăng trưởng tuột dốc không phanh. Bỉ và Bồ Đào Nha cũng không thể hoàn thành những mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách nhà nước như đã cam kết. Tăng trưởng kinh tế của Bồ Đào Nha năm nay sẽ giảm thêm 3%.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tình trạng phản tác dụng của các biện pháp thắt lưng buộc bụng chủ yếu là do sự nhượng bộ quá mức của các nhà hoạch định chính sách châu Âu đối với các nước về những vấn đề như thanh toán nợ và giảm thâm hụt. Thắt chặt chi tiêu khiến tâm lý bất mãn lan rộng, dẫn đến các cuộc biểu tình đường phố và các cuộc đình công rầm rộ. Các đảng phái chính trị phản đối biện pháp khắc khổ đã giành được sự ủng hộ của công chúng và đang gây ra tình trạng mất ổn định trong chính phủ của nhiều nước. Paul Krugman, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel và cũng là cây bút kỳ cựu của tờ New York Times, từng cảnh báo các nền kinh tế đang suy thoái sẽ phải trả cái giá khá đắt cho các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Theo thống kê từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong giai đoạn 2009-2012, quốc gia nào càng cắt giảm mạnh ngân sách, sản lượng càng bị sụt giảm mạnh.
Theo giáo sư Simon Wren Lewis đến từ Đại học Oxford, để hiệu quả, chính sách thắt lưng buộc bụng phải được điều chỉnh phù hợp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế: mạnh mẽ hơn khi tốc độ tăng trưởng cao và giảm bớt khi tốc độ tăng trưởng giảm. Hơn nữa, mọi giải pháp phải hướng đến mục tiêu khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư nhiều hơn.
THANH HẰNG