Nỗi lòng ngày ra quân

Tháng ngày trong quân ngũ là khoảng thời gian không thể nào quên đối với những bạn trẻ thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nếu ngày tòng quân là bao lo lắng, hồi hộp thì ngày ra quân còn nhiều cảm xúc đan xen hơn nữa. Thời gian đi bộ đội mãi là dấu mốc trong cuộc đời, là kỷ niệm khó quên; kỹ năng, kinh nghiệm tích lũy mãi theo sát chiến sĩ trẻ khi trở lại đời thường. Phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, trở thành công dân ưu tú là nhiệm vụ, mục tiêu chiến sĩ trẻ quyết chí thực hiện sau ngày ra quân.
Nỗi lòng ngày ra quân

Tháng ngày trong quân ngũ là khoảng thời gian không thể nào quên đối với những bạn trẻ thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nếu ngày tòng quân là bao lo lắng, hồi hộp thì ngày ra quân còn nhiều cảm xúc đan xen hơn nữa. Thời gian đi bộ đội mãi là dấu mốc trong cuộc đời, là kỷ niệm khó quên; kỹ năng, kinh nghiệm tích lũy mãi theo sát chiến sĩ trẻ khi trở lại đời thường. Phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, trở thành công dân ưu tú là nhiệm vụ, mục tiêu chiến sĩ trẻ quyết chí thực hiện sau ngày ra quân.

Bịn rịn ngày chia tay

Tàu 637 của Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 5 chở đoàn công tác ra thăm 5 điểm đảo Tây Nam trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu còn thực hiện nhiệm vụ đưa chiến sĩ ra quân ở các đơn vị trên điểm đảo trở về đất liền. Tàu chuẩn bị rời quần đảo Nam Du, Phạm Nhật Trường (quê ở Cần Thơ) mang theo quân trang, tư trang xuống thuyền. Trường là một trong những chiến sĩ xuất ngũ đợt này. Toàn bộ lãnh đạo đơn vị tiễn Trường xuống tàu. Ai cũng dành cho chiến sĩ chuẩn bị xuất ngũ vòng ôm nồng ấm cùng những lời động viên chân thành. Hồi còi đầu tiên vang lên, báo hiệu tàu chuẩn bị rời Nam Du. Trên tàu, Trường vẫn nhoài người ra, không ngừng bắt tay những người ở lại. Đại úy Đinh Văn Phong, thủ trưởng đơn vị, kiễng người lên cố gắng nắm chặt tay chiến sĩ của mình. Anh dặn dò: “Không khóc. Ra quân rồi nhất định phải cố gắng nhiều hơn nhé. Em về nhà cho các anh gửi lời hỏi thăm gia đình, bạn bè; có thời gian thì ra đây thăm đơn vị. Thôi em đi nhé!”.

Trường lấy tay quệt nước mắt. Tàu chuyển động, người trên tàu cứ nhìn vào bờ; người trên bờ vẫn đứng đấy, lưu luyến nhìn theo tàu. Phạm Nhật Trường kể mình nhận công tác tại Nam Du tròn một năm. Đây là khoảng thời gian không dài nhưng đủ để những chiến sĩ trẻ như Trường tích lũy thêm nhiều kỹ năng, kinh nghiệm. Trường nhớ: “Các anh chỉ bảo nhiều điều nên tụi em trưởng thành lên nhiều. Mấy anh em thương nhau lắm. Một năm qua, đơn vị là gia đình, người thân của chiến sĩ trẻ”. Lúc mới nhập ngũ, ai cũng muốn mau xuất ngũ. Nhưng đến thời điểm xuất ngũ thì ai cũng muốn ở lại. Đấy là tâm trạng chung của chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ.

Chiến sĩ Trần Hồ Nguyên (quê ở tỉnh Bình Thuận, công tác ở Hòn Đốc) tâm sự đơn vị có 4 chiến sĩ ra quân, trong đó có Nguyên. Ngày rời đơn vị vào đất liền, 4 anh em mặc quân phục, vai mang ba lô, xuống núi. Lúc đi, ai cũng cố đi thật chậm. Cứ chốc chốc lại ngoái đầu nhìn lên trên đỉnh núi - nơi đơn vị đóng quân. Xuống đến bến tàu, Nguyên và đồng đội ổn định chỗ ăn ở, sinh hoạt. Tàu chuẩn bị rời bến, những người cuối cùng của đoàn công tác hối hả bước lên tàu. Thủ trưởng cùng nhiều cán bộ đơn vị của Nguyên cố gắng lách qua dòng người, vẫy tay tạm biệt 4 đồng chí của mình. Nguyên chia sẻ, những lúc nhớ nhà hay có chuyện buồn, thủ trưởng ân cần hỏi han, quan tâm từng li từng tí. Mọi người tâm sự, chia sẻ với nhau mọi buồn, vui trong công việc, cuộc sống. Các anh bảo bọc chiến sĩ như những người thân trong gia đình. Chiến sĩ trẻ coi các anh như chú, như cha ở nhà.

Xây tiếp những ước mơ

Thời gian sống trong quân ngũ, nhiều chiến sĩ thay đổi hẳn tính tình, tác phong. Nhiều người ở nhà chẳng bao giờ nói câu nào nhưng sau một năm rèn luyện thì hòa đồng, vui tính khiến người thân bất ngờ khi vào thăm. “Đơn vị ít người nhưng lúc nào cùng đầy ắp tiếng hát, tiếng cười. Vào đơn vị, không muốn nói cũng bị ép cho nói. Riết rồi quen. Sau này đi học, đi làm chắc không ai sợ giao tiếp như ngày xưa nữa”, Phạm Nhật Trường cho hay. Sau khi ra quân, Trường tiếp tục làm việc theo chuyên ngành thuế nhà nước mà mình đã theo học trước khi đi bộ đội. Lối sống kỷ luật, trách nhiệm quân đội đã thành thói quen không thể thiếu nên Trường tự tin mình sẽ làm tốt công việc sắp tới.

Còn Trần Hồ Nguyên thì bật mí rằng khi học xong phổ thông, Nguyên tình nguyện nhập ngũ vì mong muốn thử thách bản thân. Dù gia đình thiết tha mong Nguyên tiếp tục việc học nhưng Nguyên quyết tâm đi bộ đội. Vào đơn vị, Nguyên nhận nhiệm vụ nấu ăn. Vậy là từ một thanh niên chẳng bao giờ phải vào bếp khi ở nhà, giờ đây Nguyên đã là một anh nuôi chuyên nghiệp, không những giỏi nấu ăn mà còn giỏi tăng gia. Kết thúc nghĩa vụ, Nguyên ra sức ôn tập để học tiếp như mong muốn của gia đình. Nếu có điều kiện, Nguyên sẽ đi du học.

Trên tàu 637, chiến sĩ Vương Đình Trung (quê ở tỉnh Nghệ An) cũng chuẩn bị xuất ngũ. Trung cho biết mình sẽ thi Học viện Hải quân. Vì vậy, Trung rất nỗ lực ôn luyện. Hoàn thành xong nhiện vụ cấp trên giao, mỗi buổi tối, Trung tranh thủ tự làm bài tập, tìm hiểu kiến thức thi đại học. Quân nói: “Tỷ lệ chọi ở Học viện Hải quân rất cao nên em cố gắng “nạp” kiến thức mọi lúc mọi nơi. Trở thành bộ đội hải quân là ước mơ từ nhỏ nên em sẽ theo đuổi đến cùng”.

Chiến sĩ Nhữ Đình Khánh (trái) sinh hoạt văn nghệ cùng đồng đội trong đơn vị

Tương tự, chiến sĩ Nhữ Đình Khánh sẽ vác ba lô bộ đội vào TPHCM học tiếng Nhật và các lớp học nghiệp vụ, kỹ năng cần thiết. Sau đó, Khánh sẽ sang Nhật Bản làm việc.

Rất nhiều chiến sĩ trẻ mang theo hoài bão như Trung, Khánh, Trường. Có chiến sĩ làm nhiệm vụ thông tin trên đảo, vừa học chuyên môn, vừa học kiến thức thi đại học. Tai nghe mật mã thông tin, mắt nhìn sách, tay viết là cảnh tượng quen thuộc trong không ít đơn vị. Sinh hoạt kỷ luật, tinh thần trách nhiệm là những tích lũy quý báu mà các chiến sĩ có sau khi rời quân ngũ. Đây là nền tảng giúp tương lai vững chắc, thành công hơn.

KỲ LÂM

Tin cùng chuyên mục