Nỗi niềm làng nghề dưới chân núi mẹ

Dưới chân núi mẹ LangBiang thuộc địa bàn huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đã và đang tồn tại 2 làng nghề truyền thống: Nghề sản xuất rượu cần và nghề dệt thổ cẩm. 

 

Nghệ nhân Cơ Liêng K’Phước bên khung dệt và Rơ Ông K’Ương
Nghệ nhân Cơ Liêng K’Phước bên khung dệt và Rơ Ông K’Ương
Hai làng nghề này không chỉ tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động là đồng bào dân tộc thiểu số gốc K’Ho, mà còn góp phần hình thành nên một vùng văn hóa rất riêng.
Rót 2 ly nước trà pha sẵn dưới bếp mang lên mời khách, Rơ Ông K’Ương  (con gái đầu của nghệ nhân Rơ Ông K’Tuyn - Tổ trưởng Tổ dệt thổ cẩm B’Nơr C) say sưa nói về nghề dệt thổ cẩm của đồng bào mình. Được mẹ mình là nghệ nhân Rơ Ông K’Tuyn truyền nghề từ khi còn nhỏ, đến nay đã gắn bó với thổ cẩm gần 30 năm, nên K’Ương hiểu sâu sắc khi nói về nghề dệt thổ cẩm mà bao đời nay bà con nơi đây gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ sau. “Cái nghề này nó theo suốt bà con dân làng. Làm gì thì làm, phải giữ cái nghề truyền thống của đồng bào mình”  Rơ Ông K’Ương quả quyết. 

Tuy nhiên, theo K’Ương khó khăn nhất hiện nay đối với bà con đó là đầu ra của sản phẩm thiếu ổn định và gần như bế tắc. Mặt khác, sản phẩm thổ cẩm của đồng bào K’Ho chủ yếu được dệt theo phương pháp thủ công, manh mún, nhỏ lẻ nên không thể cạnh tranh được với những sản phẩm khác, nhất là sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Chăm. “Bà con làng nghề chỉ mong sao đầu ra của sản phẩm luôn ổn định và được chính quyền hỗ trợ vốn vay với lãi suất thấp để bà con đầu tư mua nguyên liệu phục vụ sản xuất”, Rơ Ông K’Ương tâm sự. 

Dưới chân núi mẹ LangBiang thuộc địa bàn thị trấn Lạc Dương hiện đang tồn tại 2 làng nghề truyền thống, là làng nghề dệt thổ cẩm B’Nơr C và làng nghề sản xuất rượu cần, thu hút gần 100 hộ gia đình gắn bó với nghề. Trước đây các làng nghề đã góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động tại địa phương, đồng thời hình thành nên một vùng văn hóa rất riêng mang đậm bản sắc dân tộc ngay trong lòng phố thị. Bày tỏ tiếc nuối về thời vàng son của làng nghề dệt thổ cẩm B’Nơr C, ông Cil Poh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, chia sẻ: “Hiện nay, sản phẩm thổ cẩm bà con làm ra tiêu thụ rất chậm và gặp khó khăn. Tình trạng người già và trẻ em trong làng phải mang sản phẩm đi bán lẻ, bán rong tại các khu, điểm du lịch đang diễn ra khá phổ biến…”. 

Còn tổ dân phố B’Nơr C hiện có hơn 50 hộ gia đình chuyên làm nghề dệt thổ cẩm. Sản phẩm thổ cẩm chủ yếu được bà con sản xuất tại làng nghề này là tấm ùi (dài 1,2 - 1,5m; rộng 20 - 30cm), các loại túi xách tay, cầm tay lớn nhỏ, túi đựng điện thoại, dây đeo tay… Được biết, giá một tấm ùi hiện đang dao động từ  600.000 - 800.000 đồng. Sản phẩm có giá thấp nhất là dây đeo tay từ 20.000 -30.000 đồng. Hầu hết, các sản phẩm thổ cẩm làm ra đang được bà con ký gửi tại quán cà phê K’Ho trong làng để bán cho khách du lịch hoặc theo chân những người già và trẻ nhỏ đưa ra bán lẻ, bán rong tại các khu, điểm du lịch trên đỉnh và dưới chân núi LangBiang. 

Không giấu được nỗi buồn khi nói về thực trạng đầu ra của sản phẩm thổ cẩm, nghệ nhân Cơ Liêng K’Phước (55 tuổi) cho biết: “Khách du lịch bây giờ họ đến đây chủ yếu là tham quan, tìm hiểu về làng nghề và hỏi thăm đủ thứ, chứ họ có mua đâu… Ế lắm!”. Cũng theo ông, dù làng nghề đang gặp phải không ít khó khăn về đầu ra nhưng bà con nơi đây không vì thế mà bỏ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào mình. Bà con vẫn luôn tay dệt thổ cẩm mỗi khi nông nhàn hay những lúc rảnh rỗi công việc đồng áng. Các nghệ nhân lớn tuổi vẫn thường bảo ban con cháu, tận tình chỉ dạy và truyền nghề cho lớp trẻ. Về phía chính quyền địa phương cũng đã tạo điều kiện để bà con được bán sản phẩm tại các khu, điểm du lịch nhằm giúp bà con có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Tại cơ sở sản xuất rượu cần Sơn Cước ở địa chỉ số 336 Lang Biang, thuộc Tổ dân phố Bon Đưng 2, thị trấn Lạc Dương của chị Păng Ting Dziầu, chị cho biết ở thị trấn hiện có khoảng 40 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất rượu cần. Thế nhưng, số hộ gia đình thường xuyên sản xuất rượu cần theo phương pháp truyền thống chỉ khoảng 10 hộ. Cơ sở sản xuất rượu cần Sơn Cước chính thức đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh từ năm 2010. Sản phẩm rượu cần tại đây được tiêu thụ mạnh vào mùa hè, cao điểm là vào tháng 6 và tháng 7. Mỗi năm cơ sở sản xuất 2 đợt rượu cần (một đợt vào dịp tết và một đợt vào dịp hè), tối đa là 300 chóe rượu cần (loại chóe 4 lít), với giá bán 120.000 đồng/chóe để cung ứng cho nhu cầu của du khách du lịch. Theo chị Păng Ting Dziầu, rượu cần ngon là khi nếm thử rượu ngoài vị ngọt còn có một chút nhẫn đắng và mùi thơm đặc trưng. Việc làm rượu cần chủ yếu do người phụ nữ trong gia đình đảm trách. Vì là nghề gia truyền nên mỗi gia đình dưới chân núi mẹ đều có bí quyết riêng. 
Nỗi niềm làng nghề dưới chân núi mẹ ảnh 1 Sản phẩm dệt thổ cẩm theo chân một số người già và trẻ em đưa ra bán lẻ, bán rong tại các khu, điểm du lịch dưới chân núi LangBiang
 Làng nghề sản xuất rượu cần và làng nghề dệt thổ cẩm B’Nơr C là 2 làng nghề có tuổi đời trên dưới 50 năm. Đây cũng là 2 trong số các dự án được UBND tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ kinh phí để phát triển làng nghề gắn với điểm du lịch. Dù UBND huyện Lạc Dương đã nỗ lực triển khai thực hiện đề án này tại địa phương, nhưng vẫn lực bất tòng tâm. Làm thế nào để bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống tại địa phương luôn là câu hỏi đau đáu của những người đứng đầu địa phương. Bởi các sản phẩm của làng nghề không chỉ là sản phẩm du lịch độc đáo, tạo công ăn việc làm cho người dân mà còn chứa những giá trị văn hóa đặc thù của vùng đất huyền thoại dưới chân núi LangBiang.

Tin cùng chuyên mục