Nỗi sợ chiến tranh ở Nhật Bản

Những ngày này, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm ngày độc lập - ngày thiêng liêng của mọi dân tộc khi Thế chiến thứ hai kết thúc. 
Trẻ em Nhật Bản nắm tay nhau sơ tán trong cuộc diễn tập phòng chiến tranh hạt nhân
Trẻ em Nhật Bản nắm tay nhau sơ tán trong cuộc diễn tập phòng chiến tranh hạt nhân
Ở nhiều nước, ngày độc lập gắn liền với niềm vui lớn nhưng riêng Nhật Bản, ngay trước Thế chiến thứ hai kết thúc, vào hai ngày 6 và 9-8, gần 130.000 người đã trở thành những nạn nhân đầu tiên trên thế giới hứng chịu 2 quả bom nguyên tử của Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki. Hàng triệu người sau đó cũng qua đời do những căn bệnh ung thư vì phóng xạ của bom nguyên tử.  
Đó là một trong những yếu tố làm cho người Nhật Bản ngày càng yêu chuộng hòa bình, chán ghét chiến tranh. Vì vậy, giờ đây, mọi động tĩnh liên quan đến các loại vũ khí giết người hàng loạt đều là mối lo lớn với họ, nhất là những cuộc chạy đua vũ trang ngay trong khu vực Đông Bắc Á. Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đi ngang lãnh thổ miền Bắc Nhật Bản vào ngày 29-8 đã làm gia tăng mối quan ngại cho các công dân Nhật Bản. Đã có báo động trong cộng đồng và nhiều người vội tìm nơi ẩn náu khi tên lửa của Triều Tiên bay ngang. 
Anh Ichiro Kondo, ngư dân 38 tuổi ở thị trấn Erimo, đảo Hokkaido nói với Japan Times: “Cảnh báo kêu gọi tôi sơ tán, nhưng tôi không thể nghĩ đến bất kỳ tòa nhà nào trong thị trấn có thể chịu được tên lửa. Tôi không biết phải đi đâu đây?”.  Một giáo viên trường tiểu học 59 tuổi ở quận Aomori gần đó cho biết anh nghe thấy một tiếng báo động lớn từ mạng lưới đài phát thanh cảnh báo thiên tai của cộng đồng và bật tivi mới biết được chính phủ đã đưa ra cảnh báo về tên lửa Triều Tiên. Anh cũng cảm thấy anh không có nơi nào để chạy trốn và trong khoảnh khắc căng thẳng đó anh chỉ biết đóng cửa sổ và cố gắng tránh càng xa cửa sổ càng tốt.
Ít nhất 40 trường học, chủ yếu ở Hokkaido và các vùng khác ở Đông Bắc Nhật Bản, đã yêu cầu đóng cửa trường học để sơ tán. Khoảng 4 phút sau khi Triều Tiên bắn một tên lửa đạn đạo ngay trước 6 giờ sáng, hệ thống cảnh báo J-Alert khuyến cáo người dân ở 12 tỉnh của Nhật Bản có biện pháp phòng ngừa. Khoảng 12 phút sau khi cảnh báo đầu tiên, hệ thống sau đó thông báo rằng tên lửa vừa bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản sau đó đã thông báo rằng tên lửa rơi xuống Thái Bình Dương khoảng 1.180km về phía Đông của mũi Erimo ở đảo Hokkaido. Khác với nhiều lần trước, vào ngày 29-8, Triều Tiên đã không đưa ra thông báo trước về việc họ sẽ phóng tên lửa đạn đạo đi ngang lãnh thổ Nhật Bản theo yêu cầu của luật lệ quốc tế. 
Cuộc phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên diễn ra sau khi Nhật Bản huy động một số máy bay mang tên lửa đánh chặn Patriot Advanced C-3 bảo vệ vùng trời Hiroshima và 3 tỉnh khác ở phía Tây Nhật Bản để đối phó với tên lửa Triều Tiên. Chính vì lo ngại tên lửa Triều Tiên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 31-8 yêu cầu ngân sách kỷ lục 5.260 tỷ yên (47,6 tỷ USD) cho năm tài chính 2018, nhấn mạnh mối quan ngại về những gì mà Thủ tướng Shinzo Abe gọi là “đe dọa về an ninh” chưa từng có và “nghiêm trọng” do Triều Tiên gây ra. Yêu cầu này, nếu được chính phủ chấp thuận, sẽ là năm thứ sáu liên tiếp Nhật Bản gia tăng ngân sách quốc phòng hàng năm trong đó năm tài chính 2016-2017 đã là 5.000 tỷ yên.
Ngân sách dự kiến bao gồm những gì mà bộ này gọi là mua sắm vũ khí để chống lại một cuộc tấn công tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, bao gồm cả hệ thống tên lửa Aegis Ashore, SM-3 Block IIA giúp mở rộng phạm vi phòng thủ của Nhật Bản cũng như nâng cao khả năng bắn hạ một tên lửa đạn đạo. Ngoài ra số tiền trên còn dùng để nâng nâng cấp hệ thống tên lửa phòng thủ Patriot Advance C-3 được triển khai trên toàn quốc.

Tin cùng chuyên mục