Hàng chục ngàn người dân ở các địa phương này đang nôn nao chờ ngày có cây cầu để lưu thông thuận tiện và đảm bảo an toàn giao thông.
Cách trở và không an toàn
Trời nắng gay gắt, nhưng 2 đầu đường dẫn lên phà Phú Định ẩm ướt, trơn trượt. Mũi phà bằng sắt đã có nhiều mối hàn bị sút, khiến xe máy qua lại khó khăn. Chiếc phà nhỏ chỉ dành cho người đi xe máy và đi bộ, lên xuống một đầu, do vậy, xe máy xuống phà thì phải chạy đến cuối phà và quành đầu xe trở lại. Chiếc phà đặc kín người và xe máy tròng trành qua sông.
Càng vào gần bờ, tiếng động cơ phà càng gầm rú lớn hơn, khói đen kịt phun ra xối xả. Khi phà cập bến, mọi người nháo nhào phóng xuống, chạy lên. Lối đi nhỏ hẹp, lại càng thêm chật chội và không an toàn.
Đường xuống phà Phú Định có biển “Nội quy bến đò” rất to, nhưng dường như chỉ niêm yết chiếu lệ, vì mặc dù quy định “Mỗi hành khách, thuyền viên, người lái phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình của phương tiện từ lúc rời bến đến khi an toàn”, nhưng áo phao trang bị không đủ. Một vài áo máng hờ hững ở lan can phà và một số áo phao chất chồng trên nắp máy tàu ở giữa lối đi.
Cũng như phà Phú Định, phà An Phú Đông chở hành khách qua sông Vàm Thuật bằng phà nhỏ, chỉ có một lối lên xuống. Phà cũ kỹ, đường dẫn lên phà trơn trượt, nhiều nơi xi măng bong tróc. Bà Lê Thị Bảy (nhà ở gần bến phà) cho biết: “Đã có một số người bị té ngã khi chạy xe lên phà, nhất là khi trời mưa”. Khi phà cập bến, người đi bộ và đi xe máy chen chúc lên, xuống phà. Chiếc phà ghi rõ tải trọng 98 khách, 49 xe máy, nhưng chở người và xe ken kín. Dọc lan can phà có để hàng chục phao.
Mỗi khi phà chuẩn bị tách bến, có một phụ nữ cầm áo phao phát cho hành khách. Ai không nhận thì chị máng hờ hững áo phao lên tay lái xe máy. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là với những khách ở hàng đầu tiên. Hàng chục hành khách còn lại có muốn nhận áo phao cũng khó lòng tiếp cận, bởi hàng chục áo phao cũ kỹ, lấm lem bụi bẩn, dầu mỡ bị chất đống ở cuối phà.
Đau đáu chờ xây cầu
Hành khách Lê Thành Tâm (ngụ đường Đình Hai, phường An Phú Đông, quận 12) cho biết: “Tôi làm việc ở quận Bình Thạnh, nếu đi theo quốc lộ 1 đến chỗ làm rất xa. Do vậy, tôi vẫn chọn đi phà Vàm Thuật. Cũng như tất cả bà con đang sinh sống ở đây, chúng tôi ước mơ có một cây cầu bắc qua sông Vàm Thuật để đi lại thuận tiện hơn, đời sống của người dân được cải thiện. Nghe có kế hoạch xây cầu, ai cũng mừng, nhưng chẳng hiểu sao đến nay vẫn còn phải chờ”.
Theo quy hoạch của TPHCM, cầu Phú Định là một hạng mục quan trọng của tuyến Vành đai 2, dài hơn 5,3km và rộng 60m, giúp giải quyết vấn đề giao thông toàn tuyến. Dự án với tổng vốn đầu tư 6.060 tỷ đồng, trong đó 4.200 tỷ đồng là chi phí giải phóng mặt bằng.
Thực tế giao thông hiện nay cho thấy dự án xây dựng cầu Phú Định cần được ưu tiên đầu tư, nhằm sớm khép kín hạ tầng giao thông, nối liền các khu đô thị phía Nam và phía Tây TPHCM hiện đang bị cách trở, đang gây sức ép rất lớn cho các cầu Nhị Thiên Đường, Chánh Hưng, Chữ Y (quận 8). UBND TPHCM cũng đã có phương án xây cầu tạm bắc qua sông Vàm Thuật dạng kết cấu thép, nối phường 5 quận Gò Vấp với phường An Phú Đông. Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm kêu gọi chủ đầu tư gấp rút hoàn tất các thủ tục và triển khai dự án theo quy định.
Tuy nhiên, cho dù có gấp rút hoàn tất các thủ tục triển khai dự án và được giải ngân, tiến hành giải phóng mặt bằng thuận lợi, thì cũng sẽ còn cần nhiều thời gian để thi công cầu. Do vậy, người dân hàng ngày qua phà Phú Định và phà Vàm Thuật vẫn mong Sở Giao thông Vận tải quan tâm tổ chức phân luồng giao thông hợp lý, sửa sang nâng cấp phà để ngăn ngừa hiểm họa, đảm bảo việc đi lại của người dân thuận lợi và an toàn.
Người dân An Phú Đông cũng mong xây cầu qua sông là cầu kiên cố thay vì chỉ là cầu tạm dạng kết cấu thép, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội An Phú Đông.