
Chưa bao giờ, vấn đề chất lượng xuất khẩu lại được đưa ra “mổ xẻ” khá kỹ như hiện nay. Chúng ta đang có rất nhiều cơ hội để tăng lượng hàng xuất khẩu trong những tháng cuối năm, với điều kiện cần phải đẩy mạnh việc cải cách hành chính để gỡ khó cho DN… Đây là nội dung chính của hội nghị giao ban xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2007 do Thứ trưởng Bộ Thương mại Nguyễn Thành Biên chủ trì ngày 24-7, tại TPHCM.
- Chất lượng - vấn đề sống còn!

Chế biến đồ hộp trái cây xuất khẩu tại Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Tân Bình. Ảnh: THÀNH TÂM
“Chúng ta đang nói quá nhiều về những con số đã đạt được, nhưng nếu cân đong đo đếm một cách nghiêm túc thì giá trị hàng xuất khẩu của chúng ta không cao, không có sức cạnh tranh. Nhìn lại hàng loạt các mặt hàng có thế mạnh như hạt tiêu, cà phê, hạt điều, thủy hải sản, gạo… đều có vấn đề về chất lượng.
Mặt khác, việc vận chuyển hàng hóa còn phụ thuộc quá nhiều vào các đối tác, khiến hiệu quả xuất khẩu còn rất thấp” – bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty TNHH Sông Tiền đã mở đầu phần phát biểu đầy ấn tượng, khiến cả hội trường bừng tỉnh sau những con số, kết quả đạt được của 6 tháng đầu năm.
Bà Ánh chứng minh, gần đây, các đội tàu chuyên chở nước ngoài đã thực hiện chính sách đơn phương tăng giá, không cần thỏa thuận trước với DN. Cụ thể, cước tàu để chuyên chở 1 container loại 40 feet trong tháng 6 là 800 USD, nhưng đến tháng 7 đã tăng lên 1.100 USD và mới đây họ lại thông báo sẽ tăng thêm 200 USD lên 1.300 USD/container, với loại 20 feet sẽ tăng thêm 400 USD vào tháng 8! Cước tăng nhưng việc giao hàng luôn trong tình trạng bị chậm, dẫn đến phát sinh hàng loạt các chi phí khác! Những vấn đề này, nằm ngoài tầm với của các DN. Để nâng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, một trong những cách tốt nhất là giảm lượng hàng FOB và tăng lượng CIF. Muốn làm được điều này, cần phải ưu tiên đầu tư để phát triển hệ thống logicstic.
Liên quan đến chất lượng sản phẩm, một trong những mặt hàng được đưa ra mổ xẻ nhiều nhất, đó là cà phê. Ông Vân Thành Huy, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Cacao VN cho biết, trong tổng số hơn 1 triệu tấn cà phê dự kiến xuất khẩu trong năm nay thì tạp chất chiếm tới 1%, trong khi các nước chỉ có khoảng 0,5%! Với con số này, nó sẽ chiếm biết bao nhiêu container? “Chúng ta đã đưa ra TCVN 4193 cho mặt hàng cà phê. Song không hiểu vì lý do gì lại không đưa vào áp dụng?” – ông Huy nói.
Trái với ý kiến trên, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN lại cho rằng, chúng ta chưa nên áp dụng TCVN vào mặt hàng cà phê vào thời điểm này, vì lẽ các sản phẩm chủ yếu được thu hoạch và sơ chế theo dạng thủ công nên không thể đáp ứng được yêu cầu giảm dưới 1% tạp chất. Còn nếu áp dụng, chỉ có số ít DN đáp ứng được tiêu chuẩn này. Số còn lại phải giải quyết ra sao?
- Thủ tục - nhiều bất cập
Theo bà Ánh, việc hô hào khuyến khích xuất khẩu đã dẫn tới hệ quả tất yếu là từ 200 DN ngành thủy sản hiện đã tăng lên tới 450 DN, kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD vào cuối những năm 1999 đã lên hơn 3 tỷ trong năm 2006. Trong khi đó, việc cấp C/O cho các DN vẫn gom về “một cửa” tại TPHCM. Cách làm này, khiến cho TPHCM bị quá tải, còn các DN phải tốn rất nhiều thời gian, công sức để chầu chực. “Theo tôi, nơi nào có hải quan nơi đó có thể cấp C/O cho DN, đây là cách làm khoa học” – bà Ánh đề xuất.
Việc hoàn thuế VAT cũng trở thành vấn đề “khổ lắm, nói mãi” của các DN tại hội nghị. Theo phản ánh, việc xuất khẩu không được thanh toán ngay bằng L/C mà phải chờ sau 45 ngày và với điều kiện vẫn phải đóng 5% thuế. Và để được hoàn thuế, các DN phải mất đúng 60 ngày! Theo tính toán của một DN, một tháng bình quân họ xuất khẩu khoảng hơn 1 triệu USD, thì mức thuế phải chịu tương ứng khoảng 1 tỷ đồng. Cách làm này đã đẩy không ít DN phải đi vay tiền để “ứng trước cho nhà nước chiếm dụng”!
6 tháng, một nửa quỹ thời gian trôi qua nhưng chúng ta đang nhập siêu tới 4,78 tỷ USD, bằng 21,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức nhập siêu của 6 tháng đầu năm 2006 2 tỷ USD. Cứ với đà này, chúng ta sẽ rất khó có thể khống chế nhập siêu vào những tháng cuối năm. Điều này đồng nghĩa, vào WTO nhưng VN chưa tận dụng được thế mạnh của một thị trường rộng lớn để đẩy mạnh xuất khẩu. Trên thực tế, thị trường TPHCM đã bắt đầu đón nhận cuộc đổ bộ của hàng chục thương hiệu nổi tiếng thế giới. Làm thế nào để duy trì cán cân xuất – nhập? Đây là câu hỏi đặt ra không chỉ cho các nhà quản lý mà cho cả các DN trong thời hậu WTO.
THÚY HẢI