(SGGP-12G).- Được mùa rớt giá là câu chuyện mà nông dân VN thường mắc phải. Sau những câu chuyện buồn về lúa gạo, cá ba sa… được mùa mất giá, bây giờ nông dân phải khóc trên những ruộng rau xanh mướt. Thật xót xa khi “một nắng, hai sương” vất vả trên đồng ruộng mà bán cả tạ rau không mua nổi cân thịt, hoặc vài bát phở. Càng xót xa hơn khi rau ế ẩm không có ai mua, họ đành ngậm ngùi đổ đi.
Đợt lụt năm ngoái tại Hà Nội đẩy giá rau lên cao và người dân lại đổ xô đi trồng rau mong giá rau sẽ tăng giá trước hoặc sau tết. Đến hiện giờ, rau thu hoạch cùng đợt rất nhiều và dẫn đến giá rẻ là điều dễ hiểu. Việc trồng, bán rau nhỏ lẻ, manh mún làm cho các chủ buôn ép giá, người dân không bán cho các tay ép giá đó thì chỉ có đổ đi. Vì vậy, dù chịu hòa vốn, chịu lỗ, người dân vẫn phải bán và họ vẫn phải trồng rau.
Các cơ quan hữu quan đang đứng ở đâu và tại sao họ không có sự ủng hộ nào giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm? Vấn đề mấu chốt, theo tôi, là cơ quan chức năng còn quá kém trong việc dự báo và quản lý kinh tế nông thôn. Trong khi rau đang quá ế thừa tại Hà Nội thì rau Trung Quốc vẫn đàng hoàng vượt ngàn dặm xa tới tất cả các hang cùng ngõ hẻm, từ Bắc chí Nam của Việt Nam để bán với giá không hề rẻ.
Nếu nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương có những chính sách cụ thể bảo đảm đầu ra cho sản phẩm thì sẽ không có những hiện tượng như nông dân thua lỗ với con cá ba sa, chặt đốt cây cà phê, lúa rớt giá, rau xanh rẻ hơn bèo...
Lê Thiên Ngân (TPHCM)