Nông dân hưởng lợi từ hệ thống thủy lợi khép kín

Từ đầu năm 2024 đến nay, nắng nóng kéo dài ở nhiều tỉnh thành khu vực Nam bộ, Tây Nguyên khiến nhiều nơi rơi vào tình trạng đồng khô, người khát. Thế nhưng, tại tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, nhờ sớm đầu tư hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, khép kín mà nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp khá dồi dào.

Đường ống thép đưa nước từ hồ Dầu Tiếng tới địa bàn các huyện Châu Thành, Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh Ảnh: LÊ XUÂN
Đường ống thép đưa nước từ hồ Dầu Tiếng tới địa bàn các huyện Châu Thành, Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh Ảnh: LÊ XUÂN

Không còn lo thiếu nước

Trước đây, tỉnh Tây Ninh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới cho cây trồng, nhất là các loại cây ngắn ngày, khiến tình trạng mất mùa, năng suất sụt giảm xảy ra thường xuyên. Nhưng kể từ đầu năm 2023, dự án thủy lợi tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông (giai đoạn 1) hoàn thành, đưa nước từ hồ Dầu Tiếng về các huyện Châu Thành và Bến Cầu, tình trạng khô hạn cơ bản được khắc phục.

Ông Nguyễn Văn Bảy (người dân xã Long Phước, huyện Bến Cầu) chia sẻ: “Những năm trước, việc sản xuất nông nghiệp của nông dân trong khu vực rất vất vả do thiếu nước tưới vào mùa khô, nguồn nước tưới chủ yếu trông chờ vào giếng khoan gia đình, tốn nhiều chi phí nhưng năng suất cây trồng cũng không cao. Từ khi hệ thống kênh rạch nối với dự án thủy lợi tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông được khơi thông, dòng chảy đã vào đến tận ruộng. Ở những khu vực xa kênh rạch, nguồn nước ngầm cũng dồi dào hơn, các giếng khoan phục vụ tưới cây cũng giảm hẳn tình trạng trơ đáy”...

Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, trên địa bàn tỉnh có 4 hồ chứa nước là Dầu Tiếng, Tha La, Nước Trong 1, Nước Trong 2 và 10 trạm bơm điện, 1.759 tuyến kênh tưới, 365 tuyến kênh tiêu, 24 tuyến đê bao, cơ bản khép kín khu vực sản xuất nông nghiệp, giải quyết nước tưới cho khoảng 75% diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Kể từ năm 2023, người dân thuộc vùng thụ hưởng của dự án hoàn toàn sử dụng nước canh tác bằng biện pháp tưới tự chảy, giúp tăng số vụ, lợi nhuận canh tác (giảm chi phí bơm nước), đồng thời phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống nhân dân...

Tại tỉnh Bình Dương, các huyện có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn như Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, hệ thống thủy lợi cũng đã đầu tư tương đối hoàn chỉnh, giúp nông dân trong khu vực tăng thêm mùa vụ và năng suất cây trồng. Trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, nông dân đang được hưởng lợi rõ rệt từ hệ thống 8 công trình thủy lợi, bao gồm 2 hồ chứa (Đá Bàn - Suối Sâu, Dốc Nhàn), 6 trạm bơm cùng hệ thống kênh mương tưới tiêu có chiều dài gần 71km, với tổng năng lực thiết kế tưới cho khoảng 789ha.

Anh Lê Minh Sang (người dân xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên), đang cùng nhiều hộ dân trồng khoảng 60ha bưởi, hồ hởi: “Trước đây, nguồn nước tưới cây phụ thuộc chủ yếu vào giếng khoan và nước mưa, việc mở rộng diện tích trồng trọt rất khó khăn. Nhưng hiện nay nguồn nước đã chủ động hơn từ hệ thống kênh rạch và các suối nhỏ trên địa bàn nên cây sinh trưởng tốt hơn, bưởi cho trái nhiều hơn, đúng mùa vụ”.

Ứng phó khô hạn kéo dài

Theo Sở NN-PTNT Bình Dương, hiện nay các công trình thủy lợi, đê bao, phòng chống thiên tai trên địa bàn đang phát huy hiệu quả tưới tiêu, ngăn lũ, đảm bảo tưới cho 100% diện tích cây ngắn ngày. Dù vậy, để ứng phó hiệu quả các ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, khô hạn kéo dài, người dân cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng giống cây trồng chịu được nắng hạn, chuyển đổi từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, gia công sang sản xuất chuyên nghiệp với hệ thống tưới tiêu tự động, tiết kiệm... mới có thể nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Dẫn dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia về ảnh hưởng của El Nino, nguy cơ khô hạn kéo dài đến tháng 6-2024, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh, nhận định, địa bàn tỉnh cũng khó tránh khỏi nguy cơ xảy ra hạn, thiếu nước cục bộ tại một số khu vực, nhất là các nơi nằm ngoài phạm vi cấp nước của hệ thống công trình thủy lợi và khu vực có địa hình cao... Vì vậy, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất Dự án phát triển hạ tầng chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Tây Ninh từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á, trình cơ quan chức năng phê duyệt. Trong đó, có hợp phần xây dựng hạ tầng thủy lợi, giao thông phục vụ phát triển nông nghiệp thông minh, góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp.

Để ứng phó hiệu quả tình trạng nắng nóng, khô hạn kéo dài, tỉnh Tây Ninh đã khuyến nghị người dân xây dựng kế hoạch sản xuất linh hoạt, gieo trồng đồng loạt, tập trung theo từng vùng; ưu tiên sử dụng giống cây trồng chất lượng cao, ngắn ngày, chịu hạn, nhất là cần trữ nước, tiết kiệm nước, tưới luân phiên, đúng thời điểm theo từng giai đoạn phát triển của cây trồng..

Tin cùng chuyên mục