Nông nghiệp linh hoạt

Không giống với kế hoạch của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra là thu mua lúa giá cao để tích trữ, Chính phủ Thái Lan hiện tại đang theo đuổi chiến lược trồng lúa linh hoạt hơn, kêu gọi người dân cả nước giảm bớt trồng lúa.

Không giống với kế hoạch của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra là thu mua lúa giá cao để tích trữ, Chính phủ Thái Lan hiện tại đang theo đuổi chiến lược trồng lúa linh hoạt hơn, kêu gọi người dân cả nước giảm bớt trồng lúa.

Thay vào đó, người dân được khuyên trồng các loại cây cần ít nước hơn vì theo dự báo mùa khô sắp tới (bắt đầu tháng 11), hạn hán sẽ rất nặng nề, không đủ nước để canh tác lúa. Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Sansern Kaewkamnerd cho biết, nông dân có thể trồng ngô làm thức ăn gia súc hay cây ăn quả, cây lấy hạt. Theo ông Sansern, lượng mưa năm nay ít hơn đáng kể so với mức trung bình, các đập nước lớn của Thái Lan có khối lượng nước rất thấp và có nhiều vùng vẫn bị thiếu nước ngay trong mùa mưa.

Việc giảm trồng lúa diễn ra trong bối cảnh xuất khẩu gạo của Thái Lan trong năm nay dự kiến đạt gần 10 triệu tấn và trong năm 2016 đạt khoảng 13 triệu tấn. Thái Lan chiếm khoảng 1/4 gạo thương mại toàn cầu nhưng sản lượng gạo bắt đầu giảm lần đầu tiên kể từ năm 2009-2010, trong khi nhu cầu gạo của thế giới vẫn tăng. Với việc chủ động cắt giảm diện tích trồng lúa, sản lượng gạo thô của Thái Lan có thể giảm xuống mức 22,98 triệu tấn trong 2015-2016, thấp nhất kể từ 1996-1997 và  giảm 30%  so với năm 2014.

Cũng theo ông Sansern, Chính phủ Thái Lan đã và đang làm hết sức để tài trợ nông dân đào giếng bơm nước, tạo công ăn việc làm thay thế cho người nông dân trồng lúa. Cũng có thể sẽ phải làm mưa nhân tạo và bồi thường đối với cây trồng bị hư hỏng do hạn hán. Thậm chí, nông dân còn được hỗ trợ tài chính để trồng cây khác ngoài lúa.

Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak cho rằng, chiến lược nói trên tốt hơn so với phân phát tiền mặt trực tiếp cho nông dân trồng lúa. Mặt khác, sẽ giúp nền nông nghiệp Thái Lan phát triển bền vững. Các hệ thống ngân hàng nhà nước và các hợp tác xã nông nghiệp sẽ đóng vai trò chính trong việc hỗ trợ nông dân Thái Lan chuyển đổi cây trồng trong khi bộ thương mại sẽ tìm đầu ra cho nông sản. Cơ quan du lịch Thái Lan đã cam kết sẽ hợp tác với bộ thương mại lập các gian hàng bán nông sản tại các trạm xăng.

Trong tháng 3, Chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-ocha đã thông qua kế hoạch nông nghiệp 5 năm chi phí 35 tỷ baht trong một nỗ lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm tạo thế cân bằng giữa cung và cầu đối với nông sản như gạo, cao su, sắn, ngô và ngành chăn nuôi. Khoảng 20 tỷ baht được cấp từ các hợp tác xã nông nghiệp, phần còn lại từ ngân sách tài chính của chính phủ. Chiến lược mới còn bao gồm 10 dự án tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó có tái cơ cấu lương thực, chăn nuôi và sản xuất thủy sản; giải quyết nợ của nông dân và việc sửa đổi luật về đất đai, hợp tác xã nông nghiệp, thủy lợi. Một trong những dự án trong kế hoạch trên là giảm bớt diện tích đồn điền cao su khoảng 0,3 triệu ha trong 5 năm, khuyến khích người trồng cao su phát triển cây trồng khác như dầu cọ.

Kế hoạch nông nghiệp 5 năm của Thái Lan được các nhà quan sát đánh giá mang tính toàn diện, linh hoạt và phù hợp với tình trạng biến đổi khí hậu. Mặt khác, kế hoạch này cho thấy họ muốn đa dạng nông sản hơn là chỉ tập trung vào cây lúa.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục