Sáng nay, phiên chất vấn kỳ họp thứ 16 HĐND TPHCM khóa VII

“Nóng” ô nhiễm môi trường, xử lý rác

(SGGP-12G).- Mở đầu phiên chất vấn sáng nay (được phát thanh và truyền hình trực tiếp), Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo cho biết, tính đến cuối giờ chiều hôm qua 7-7, đã có 90 ý kiến của 14 đại biểu và 2 tổ thảo luận gửi đến chất vấn các đơn vị liên quan. Các câu hỏi tập trung vào các vấn đề về kinh tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, hạ tầng, cải cách hành chính.

Mặc dù Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Châu chỉ nhận được 8 câu hỏi vào đầu giờ nhưng lại là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn. Giám đốc Sở Y tế thừa nhận công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, trong khi đó lực lượng thanh tra chuyên ngành quá mỏng; chưa có cơ chế phối hợp đồng bộ; nhiều ngành tham gia quản lý.

Sau khi ông Châu trình bày, đại biểu Võ Văn Sen đã trực tiếp chất vấn bằng một loạt câu hỏi về vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn chặn dịch cúm A/H1N1 cho hiệu quả; chất lượng thuốc và quản lý các nhà thuốc như thế nào? Các đại biểu khác cũng đặt nhiều câu hỏi về phòng chống dịch sốt xuất huyết, quản lý các phòng mạch tư nhân, nhà thuốc, dịch ruồi, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả…

Về cơ bản, Giám đốc Sở Y tế đã trả lời hết các câu hỏi của 7 đại biểu chất vấn và đưa ra một số giải pháp trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong câu trả lời liên quan các giải pháp ngăn ngừa dịch cúm A/H1N1 ông Châu tỏ vẻ lúng túng.

Người trả lời chất vấn thứ 2 trong buổi sáng là Giám đốc Sở TN-MT Đào Anh Kiệt. Ông Kiệt diễn giải rất nhiều vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường và các giải pháp xử lý, trong đó có việc thu gom rác, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm (đến thời điểm trả lời là 17 câu hỏi). Các câu hỏi tập trung về thực trạng môi trường hiện nay, xử lý ô nhiễm môi trường, vận chuyển xử lý chất thải…

Đi thẳng vào vấn đề ô nhiễm ở bãi rác Đa Phước, đại biểu Lê Thượng Mãn cho rằng thành phố quá ưu ái cho chủ đầu tư bãi rác này. Việc cho rằng công nghệ ở bãi rác này tốt nhất hiện nay cần xem xét lại nhưng trên thực tế công nghệ xử lý hết sức bình thường như các bãi rác khác hiện có.

Chủ đầu tư cho rằng họ bỏ ra 90 triệu USD và hiện nay đã đầu tư 51 triệu USD và 9 triệu USD vốn đối ứng. Vậy số tiền bỏ ra trên đã có đơn vị nào kiểm toán chưa? Trong khi đó, thành phố phải trả 16,4 USD/tấn rác (với công suất 3.000 tấn rác/ngày) thì thành phố phải trả 50.000 USD ngày (các bãi rác khác thành phố chỉ trả dưới 10USD/tấn-PV).

Mặt khác hiện nay, việc phân loại rác tại nguồn tại TPHCM đã thất bại sau nhiều năm thí điểm, các loại rác ở bãi rác này vẫn được phân loại trước khi vận chuyển vào bãi rác. “Tôi muốn hỏi ai đã ký xác nhận đơn giá trên, ai giám sát số tiền trên, vì sao hoạt động một năm rưỡi rồi nhưng chưa xác lập được quy trình xử lý?” – đại biểu Mãn đặt câu hỏi.

Theo bà Phạm Phương Thảo, đánh giá phần trả lời của Giám đốc Đào Anh Kiệt đã trả lời gần hết các câu hỏi, tuy nhiên hiện nay việc xử lý môi trường chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra. Bà Thảo yêu cầu ông Kiệt trả lời bằng văn bản xung quanh các câu hỏi liên quan đến bãi rác Đa Phước.

Kết thúc buổi chất vấn sáng nay, bà Thảo cho biết, đã có 60 ý kiến cử tri gửi đến kỳ họp nhưng chưa có điều kiện trả lời trực tiếp bằng văn bản và các sở ngành liên quan sẽ trả lời sau. Chiều nay, các đại biểu sẽ tiếp tục chất vấn giám đốc Sở GTVT Trần Quang Phượng và Phó Chủ tịch Thường trực UBNDTP Nguyễn Thành Tài. Cử tri có thể gửi câu hỏi chất vấn trực tiếp qua 2 số điện thoại: (08). 38274095 – 38274096 và thư điện tử gopyhdndtp@tphcm.gov.vn.

Hồ Việt

Trong phiên bế mạc vào ngày mai, HĐND TPHCM, ngoài việc thông qua 6 tờ trình của UBND TPHCM về một số vấn đề, HĐNDTP sẽ xem xét bầu bổ sung 1 Phó Chủ tịch UBNDTP; 1 Ủy viên UBNDTP; 1 Ủy viên Thường trực HĐNDTP; 1 Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách; 1 Trưởng ban VH-XH đến tuổi nghỉ hưu.

Tin cùng chuyên mục