Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Đã có lúc con đường âm nhạc của NSND Lê Trọng Nghĩa tưởng chừng đã rẽ sang ngả khác khi ông dứt áo với nghệ thuật để kiếm tấm bằng kỹ sư chế tạo máy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Song cuối cùng cái duyên và nghiệp đối với âm nhạc lại đưa ông về với nghệ thuật…
Có một thời, tiếng hát của ông làm say lòng bao nhiêu người Hà Nội. Có một thời, ông đi đến đâu, gặp ông, người ta gọi ông với một cái tên thân yêu, trìu mến “Hoàng tử nhạc nhẹ”. Trên sân khấu thủ đô, chàng trai gốc Hà Nội Lê Trọng Nghĩa đã ngân vang những bản tình ca về mảnh đất linh thiêng và hào hoa...
Từ thuở nhỏ ông đã say mê âm nhạc và tham gia hầu hết các hoạt động ca nhạc thanh thiếu nhi ở phường. 13 tuổi, ông đã đoạt giải nhất đơn ca nam do Thành đoàn thiếu nhi Hà Nội tổ chức với bài hát Như một cánh diều. Vào học phổ thông, ông đã cùng nhóm bạn thời ấy sáng lập Câu lạc bộ đơn ca Hà Nội đi biểu diễn, thu thanh dạy hát trên Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam. Ấy thế mà khi đứng trước ngưỡng cửa vào đại học, Trọng Nghĩa đã không đăng ký vào nhạc viện mà thi vào Đại học Bách khoa. Nhiều người cho rằng đó là dấu hiệu của sự nghiệp dư, song chính cái lối rẽ ngang trên con đường âm nhạc ấy lại là một phép thử kỳ diệu nuôi dưỡng ngọn lửa nghệ thuật vẫn đang âm ỉ cháy trong ông. Rời bỏ vị trí giảng viên đại học, năm 1972, Lê Trọng Nghĩa bắt đầu sự nghiệp hoạt động ca hát chuyên nghiệp từ vị trí của một ca sĩ, tự nguyện tham gia Đoàn văn công xung kích của thủ đô Hà Nội đi phục vụ bộ đội ở chiến trường C (Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng). Không lâu sau đó, với giọng hát ngọt ngào trời phú, ông đã nhanh chóng trở thành ca sĩ nổi tiếng của Đoàn ca múa Hà Nội.
Sau nhiều năm vào chiến trường miền Nam bom đạn phục vụ chiến sĩ, Lê Trọng Nghĩa được chuyển công tác về Đoàn ca múa Hà Nội đúng thời Hà Nội bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. “Lúc đó, trên đất Hà Nội, hát về những bài ca kháng chiến, cách mạng, không mấy ai “đè” được giọng hát của tôi” - NSND Lê Trọng Nghĩa nhớ lại. Những ngày ấy, các nghệ sĩ như ông dường như không có thời gian cho riêng mình, vừa chạy bom, vừa tập, thu bài hát mới, rồi khi tiếng bom đạn vừa lắng xuống đã có mặt tại ụ pháo, cất cao tiếng hát. Tiếng nói người Hà Nội - Văn An, Hà Nội đêm không ngủ - Phạm Tuyên, Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không cũng được vang lên trên Đài Tiếng nói Việt Nam trong những hoàn cảnh đặc biệt như thế.
Chúng tôi gặp lại NSND Lê Trọng Nghĩa trong những ngày đầu tháng 10 khi ông vừa hoàn thành đĩa CD đầu tiên của cuộc đời sau 40 năm theo đuổi nghệ thuật. Giải thích cho sự muộn mằn này, ông cho rằng lý do không phải vì eo hẹp kinh tế, cũng không phải vì sức khỏe mà muốn “giữ ý” với anh em Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, nơi ông làm lãnh đạo 15 năm liên tục, không muốn ai điều tiếng về việc lợi dụng họ. Vì thế, từ khi nghỉ hưu, ông đã thực hiện ý nguyện ghi lại dấu ấn một đời ca sĩ với những cảm xúc sâu sắc về Hà Nội qua các tác phẩm, và quyết định thu đĩa CD đầu tay về Hà Nội.
Kể từ bản thu ca khúc đầu tiên (Truyền thuyết Hồ Gươm vào năm 2010), đĩa CD NSND Lê Trọng Nghĩa với Tình yêu Hà Nội đã phải mất đến 2 năm mới có thể hoàn thành trọn vẹn 12 ca khúc như dự định ban đầu. Dẫu biết rằng so với thời điểm vàng son khi ông còn đứng trên sân khấu với Quang Thọ, Trung Kiên, Kiều Hưng thì giọng trầm ấm đã từng làm mê hoặc bao khán giả của làn sóng đài tiếng nói Việt Nam năm xưa không còn nguyên vẹn. Song điều lớn lao hơn cả mà NSND Lê Trọng Nghĩa đã làm được đó là đưa những cảm xúc âm nhạc, những kỷ niệm ông đã dồn nén trong cả cuộc đời nghệ thuật để đúc kết thành đĩa hát như một món quà kỷ niệm cả cuộc đời gắn bó với Hà Nội, để tặng bạn bè, công chúng yêu mến Hà Nội trong những ngày mùa thu lịch sử này.
Thu Hà