
Sau ba đêm diễn, vở cải lương Chiếc áo thiên nga khép lại cũng là lúc đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ (ảnh) gần như kiệt sức, chị tắt điện thoại, nằm mấy ngày liền… Khi gặp lại, chị bảo: “Lúc dàn dựng Chiếc áo thiên nga, lửa nghề khiến tôi làm việc không biết mệt mỏi. Nhưng giờ thì… tôi lại phải đi hốt thuốc, trị bệnh suy tim…!”.
Khó ai có thể hình dung được rằng với một nữ đạo diễn, có thể “chỉ huy” hàng trăm diễn viên cùng tham gia biểu diễn trên một sân khấu. Nhưng với tính cách mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm của mình, chị đã làm được điều ấy. Đâu chỉ riêng những vở cải lương Kim Vân Kiều, Chiếc áo thiên nga gần đây mới nói lên điều này mà ở các lễ hội: Lễ hội mừng Thiên niên kỷ TPHCM, Hào khí 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai, Lễ hội du lịch Gặp gỡ Đất phương Nam, chương trình Hội tụ xanh Bình Thuận, Lễ hội bánh tét Xuân Đinh Hợi 2007… đã từng ghi dấu ấn của chị! “Có lẽ, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Mỹ Tho nên càng lớn, tôi càng cảm nhận một điều rằng, cải lương là máu thịt của tôi…” – đạo diễn Hoa Hạ bộc bạch.
- PV: Sau Chiếc áo thiên nga, chị cảm nhận về cải lương, về khán giả cải lương hôm nay thế nào?
Nữ đạo diễn - NSƯT HOA HẠ: Tôi rất mừng là hiện nay, TPHCM có rất nhiều nghệ sĩ tài giỏi có thể ca hay, diễn giỏi, vũ đạo tốt và tâm huyết với cải lương. Chính những nghệ sĩ này đã góp phần mang lại những thành công nhất định cho Chiếc áo thiên nga. Bên cạnh những bậc tiền bối như: NSND Diệp Lang, NSND Thanh Tòng, chúng ta có được những gương mặt trẻ giàu tiềm năng, đủ sức trở thành ngôi sao sân khấu như: Vũ Luân, Tú Sương, Trinh Trinh, Lê Tứ…
Khi giao vai diễn cho các nghệ sĩ trẻ, tôi bị một áp lực rất lớn, bởi đây là vở cải lương bạc tỷ. Nhưng những gì các nghệ sĩ trẻ đã thể hiện, tôi rất hài lòng và vui mừng. Nếu chúng ta có nhiều cơ hội cho những người trẻ, chắc chắn họ còn làm tốt hơn nữa. Tôi nghĩ, thời gian qua, có lúc chính chúng ta đã quên đi việc chăm chút lời ca, nên cải lương thưa dần khán giả. Chứ thật ra, khán giả rất yêu thích cải lương…
- Khi xem Chiếc áo thiên nga, ngoài những thành công trong cách thể hiện ca diễn, vũ đạo của nghệ sĩ, có những cảnh trí như cảnh sập thành Cổ Loa chưa thật hấp dẫn, chị nghĩ sao?
Đúng là từ ý tưởng đến thực hiện, còn một khoảng cách. Nhưng tôi có thể khắc phục được điều này. Tiếc là, cải lương đang thiếu một nhà hát đúng nghĩa để chúng tôi có thể “tự do sáng tạo”. Chúng tôi phải thuê địa điểm của thể thao để diễn, thời gian được phép vào Nhà thi đấu Quân khu 7 chỉ có mấy ngày... Đó là một nỗi khổ lâu nay của những người làm sân khấu như chúng tôi. Chứ nếu có được một nhà hát hiện đại, chúng ta có thể đầu tư kinh phí thực hiện một vở diễn lớn, diễn đi diễn lại suốt năm.

Hai NSND Diệp Lang, Thanh Tòng (thứ nhất và thứ hai, từ trái sang) trong vở “Chiếc áo thiên nga”. Ảnh: A.Dung
- Chị nghĩ, chúng ta có thể đưa cải lương vào phục vụ khách du lịch?
Theo tôi, chắc chắn du khách sẽ thích xem cải lương, bởi khi đi du lịch đến Việt Nam, khách muốn tìm hiểu bản sắc văn hóa của Việt Nam thế nào. Và cải lương là loại hình nghệ thuật rất độc đáo của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn tự hào giới thiệu đến du khách. Vấn đề là chúng ta làm như thế nào, làm ở đâu? Chứ nếu làm cải lương ở rạp hát Hưng Đạo hiện nay mà bảo là phục vụ khách du lịch thì… thật không thể! Một rạp hát cũ kỹ, chuột chạy dưới chân khán giả, làm sao có thể phục vụ du khách…
- Sau Chiếc áo thiên nga, chị tiếp tục dàn dựng vở diễn nào?
Đến giờ, tổ chế tác đang hình thành, chuẩn bị hoàn tất kịch bản Hoàng đế Quang Trung sẽ dàn dựng vào dịp Tết Nguyên đán 2009. Với vở diễn này, có thể tôi làm đạo diễn, cũng có thể là không. Đặc biệt, sau Chiếc áo thiên nga, có một ca sĩ đã đánh tiếng mời tôi dàn dựng riêng một vở cải lương chỉ toàn các ca sĩ ngôi sao đóng. Như vậy, có nghĩa là, các ca sĩ tham gia những vở cải lương của tôi vừa rồi không là một cuộc dạo chơi của họ, mà ngược lại, các ca sĩ đến với cải lương, muốn khám phá cải lương.
- Với kịch bản Hoàng đế Quang Trung, chị đã có những ý tưởng mới?
Tôi sẽ đưa cải lương ra sân vận động, có thể mỗi suất diễn, phục vụ hơn 30.000 khán giả. Tôi đang ước mong có nhiều nhà tài trợ sẽ cùng đồng hành với chúng tôi và khi ấy, thực hiện vở Hoàng đế Quang Trung, chúng tôi sẽ phục vụ miễn phí cho khán giả.
- Cảm ơn và chúc chị sức khỏe.
Đỗ Hạnh