
Ngày 11-7, hầu hết các tờ báo ở Anh đã chuyển việc đưa tin về nỗi đau của những người mất thân nhân trong các vụ đánh bom ở Luân Đôn tuần trước sang tập trung nói về mối lo sợ ngấm ngầm có khả năng xảy ra những vụ đánh bom mới.

Với những hàng tít như “Những kẻ đánh bom sẽ tấn công trở lại”, “Anh phải đối mặt với cuộc chạy đua điên cuồng để ngăn chặn hành động tàn bạo mới”…, các nguồn tin tại Anh cho biết cả nước Anh đang trong tình trạng báo động cao nhất sau khi Birmingham, thành phố lớn thứ hai của Anh nhận được tin bị đe dọa khủng bố. Lực lượng tình báo Anh cho rằng những kẻ khủng bố thực hiện các vụ đánh bom trên hệ thống xe điện ngầm và ô tô hai tầng ở Luân Đôn hôm 7 - 7 vẫn sống sót và đang âm mưu thực hiện tiếp các hành động tương tự.
- Đề xuất các biện pháp chống khủng bố mới ở châu Âu
Theo tờ Times (Anh), trong hội nghị các bộ trưởng nội vụ Liên minh châu Âu vào ngày 13-7 tới, Bộ trưởng Nội vụ Anh Charles Clarke sẽ đề xuất những biện pháp chống khủng bố mới nhằm thắt chặt kiểm soát an ninh. Theo báo này, đề nghị EU yêu cầu các công ty viễn thông ghi lại và chuyển giao cho cảnh sát cũng như nhà chức trách an ninh tất cả các cú điện thoại cá nhân, tin nhắn và thư điện tử sẽ gây nhiều tranh luận lớn. Hiện nay, các công ty viễn thông ở Anh lưu lại dữ liệu trong một năm, nhưng việc này được thực hiện dưới hình thức tự nguyện.
- Anh, Mỹ lên kế hoạch rút bớt quân khỏi Iraq
Nếu như những vụ tấn công khủng bố tại Madrid hồi tháng 3 năm ngoái đã buộc chính phủ Tây Ban Nha phải rút quân khỏi Iraq, thì sự kiện đánh bom khủng bố ở Luân Đôn dường như tác động trở lại đối với những nước nằm trong liên quân đang có mặt ở Iraq. Sau Italia, chính quyền Mỹ và Anh cho biết hai nước này đang lên kế hoạch rút bớt quân ra khỏi Iraq.
- Xuất hiện một tổ chức khủng bố mới
Tổ chức chống khủng hoảng quốc tế (ICG) cảnh báo cho biết tổ chức khủng bố Tân Jihad (New Jihad), trong đó có một thủ lĩnh khủng bố được huấn luyện tại Afghanistan, đã xuất hiện tại Somalia. Tổ chức Tân Jihad bị buộc tội liên quan tới các vụ sát hại ít nhất 14 nhân viên cứu trợ nước ngoài và lực lượng chống khủng bố Somalia và đe dọa đẩy nước này lún sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị. Tân Jihad là một trong 3 tổ chức cực đoan tại Somalia, bắt đầu nổi lên từ năm 2003 và đang phát triển thành một một tổ chức độc lập, tàn bạo, cấu kết với Al-Qaeda và các phần tử đối lập Somalia.
H.CH. (Theo ITAR – TASS, Reuters)