
Ngày 1-3 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức ký sắc lệnh bắt đầu cắt giảm hàng loạt chi tiêu của chính phủ trị giá 85 tỷ USD, sau khi ông không thể đạt được thỏa thuận về ngân sách với các lãnh đạo quốc hội. Theo một báo cáo về ngân sách của Nhà Trắng gửi đến quốc hội, các biện pháp cắt giảm tự động sẽ có tác động “hết sức tiêu cực đối với an ninh quốc gia, đầu tư trong nước và các chức năng cốt lõi của chính phủ”.

“Cuộc chấn động kinh tế” sẽ khiến nhiều người Mỹ mất việc.
“Cuộc chấn động kinh tế”
Từ ngày 2-3 đến 1-10 năm nay, các cơ quan chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu phải xoay xở với khoản chi tiêu bị cắt giảm toàn diện tới 85 tỷ USD. Báo Wall Streert Journal dẫn cảnh báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cùng ngày cho rằng sự cắt giảm này sẽ gây ra “cuộc chấn động” đối với nền kinh tế Mỹ (tăng trưởng sẽ giảm từ 2% xuống còn 1,5% trong năm 2013) và có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Phát biểu với báo giới ngày 1-3, Tổng thống Obama mô tả việc để cho ngân sách tài khóa 2013 bị tự động cắt giảm 85 tỷ USD là một việc làm tùy tiện, có ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế và có nguy cơ làm mất nhiều việc làm của người dân Mỹ. Nó không chỉ làm tổn thương tới tầng lớp trung lưu mà còn có nguy cơ đe dọa đà phục hồi vẫn còn bấp bênh của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông Obama cũng kêu gọi và bày tỏ tin tưởng các bộ ngành liên bang sẽ tìm ra những biện pháp để vượt qua thời kỳ khó khăn bất ngờ này, đồng thời cam kết vẫn luôn mở cửa cho các cuộc đàm phán trong những ngày tới, cho dù việc cắt giảm bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-3.
Trong bối cảnh 750.000 việc làm có khả năng bị mất và hàng ngàn công nhân liên bang đang đứng trước nguy cơ phải nghỉ việc không lương nhiều ngày, các nghiệp đoàn lao động cũng chạy đua thương lượng với các cơ quan của liên bang nhằm tìm cách giảm bớt tác động của việc ngân sách bị cắt giảm. Trong khi đó, nhiều cơ quan của chính phủ liên bang đang tìm cách thắt chặt hầu bao của mình. Những ngày gần đây, Cục Kiểm soát hải quan và di trú Mỹ (ICE) đã thả hàng trăm người nhập cư bất hợp pháp để giảm chi phí giam giữ.
Tạm hoãn các kế hoạch bành trướng quân sự
Với khoản cắt giảm trên, Lầu Năm Góc sẽ gánh chịu khoảng một nửa. Như vậy ngân sách Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ bị cắt giảm 46 tỷ USD trong vòng 7 tháng tới. Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cảnh báo việc ngân sách bị cắt giảm tới 46 tỷ USD có khả năng làm giảm khả năng hoàn thành nhiệm vụ của Lầu Năm Góc. Việc triển khai chiếc tàu sân bay thứ 2 tới vùng Vịnh cũng đã bị hủy. Hải quân Mỹ sẽ trùm mền dần dần khoảng vài trăm máy bay kể từ tháng 5 trong khi lục quân sẽ giảm bớt giờ huấn luyện của tất cả các đơn vị trừ các đơn vị đang tham chiến tại Afghanistan.
Dự kiến phần lớn trong số 800.000 nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng trên phạm vi toàn liên bang sẽ phải nghỉ không lương tới 22 ngày, bắt đầu từ tháng 4 đến 30-9 do ngân sách bị cắt giảm. Kế hoạch nghỉ không lương này có thể ảnh hưởng và đe dọa hoạt động phục vụ quốc phòng của Lầu Năm Góc, song đây được coi là một giải pháp khả thi nhằm góp phần cắt giảm chi tiêu.
Chương trình tự động cắt giảm chi tiêu nhiều khả năng còn làm trì hoãn 2 hay 3 năm hoặc hơn nữa kế hoạch đưa hàng ngàn lính thủy đánh bộ Mỹ từ Okinawa của Nhật Bản tới Guam, cũng như các thay đổi lực lượng của Mỹ tại khu vực khác của châu Á - Thái Bình Dương. Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, tướng Raymond Odierno nhận định lục quân Mỹ sẽ bị “suy giảm nghiêm trọng các khả năng” khiến họ gặp khó khăn trong việc đáp lại các nguy cơ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Tuần tới, dự kiến ông Obama sẽ tiếp tục tìm kiếm tiếng nói chung với cả những cá nhân cũng như các nhóm nghị sĩ tại quốc hội. Tuy nhiên, theo giới quan sát nhiệm vụ khó khăn của ông Obama lúc này là phải làm sao để nền kinh tế lớn nhất thế giới không hoạt động theo kiểu kế hoạch tháng này qua tháng khác, hay đi giải quyết cuộc khủng hoảng này tới cuộc khủng hoảng khác.
Hạnh Chi (tổng hợp)