- Xăng nguyên chất của Nhà máy Dung Quất không thể gây cháy
Trong khi các cơ quan chức năng còn tìm nguyên nhân gây cháy xe, hôm qua tiếp tục xảy ra hai vụ xe bị cháy. Đáng chú ý, một ô tô đang đậu tại nhà cũng bốc cháy.
Khoảng 14 giờ ngày 28-12, trên đường Trần Phú (quận Hà Đông, Hà Nội). Chiếc xe Attila Elizabeth biển kiểm soát 30F2-7879 bỗng nhiên bốc khói nghi ngút và phát hỏa gần bình xăng.
Chủ nhân chiếc xe, anh Chu Hoài Giang, hoảng hốt mô tả: Xe đang chạy bỗng nhiên tay ga không điều khiển được, xe dừng lại hẳn. Lúc đó nhiều người bên đường kêu xe cháy, tôi vội vàng nhảy xuống tìm cách dập lửa. Sau khi đổ nước vào đám cháy nhưng xe vẫn cháy, bên trong vỏ xe bắn ra những tia lửa nhỏ. Đến khi một người tìm được một bình cứu hỏa phun trực tiếp vào bên trong lửa mới tắt, nhưng xe đã bị cháy rụi phần bên trong.
Theo anh Giang, chiếc xe này đi được 14.000km, rất ít khi bị hỏng hóc, sửa chữa.
Khoảng 21 giờ ngày 27-12, nhiều người hốt hoảng khi nghe tiếng hô cháy phát ra từ số nhà 114 đường Bà Triệu (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa). Khi mọi người chạy đến số nhà này thì thấy trong sân một chiếc ô tô hiệu Mazda 36M-1574 đang bốc cháy dữ dội, trong phút chốc chỉ còn lại bộ khung. Đây là xe 4 chỗ ngồi của anh Trần Bá Cường (SN 1983, trú số nhà trên) mua lại của một người khác từ tháng 8-2011. Anh Cường cho biết trước khi xe bốc cháy anh có khởi động xe để đi công việc nhưng xe không nổ.
Chiều 28-12, trao đổi với PV Báo SGGP xung quanh nghi vấn các vụ cháy xe máy gần đây có thể do chất lượng các loại xăng không đảm bảo, ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng Giám đốc Công ty Lọc - hóa dầu Bình Sơn, cho biết: Hiện Nhà máy lọc dầu Dung Quất hàng năm cung ứng khoảng 30% nhiên liệu các loại sản phẩm xăng, dầu cho thị trường cả nước và thông qua các đầu mối bán sỉ chứ không bán lẻ. Đối với các loại xăng A92, 95 (nhà máy chỉ sản xuất hai loại sản phẩm này) đã được các cơ quan có uy tín của quốc tế kiểm nghiệm theo quy trình nghiêm ngặt, đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế về đầu ra sản phẩm. Do vậy sản phẩm của nhà máy không thể gây cháy trong quá trình vận hành động cơ của các loại phương tiện.
Tuy nhiên, theo ông Giang, không loại trừ khả năng các loại xăng bị pha chế có thể gây cháy nổ vì các hàm lượng, nguyên tố pha chế không được kiểm soát chặt chẽ. Hơn nữa, hiện động cơ của các phương tiện được độ chế, gắn thêm thiết bị ở những cửa hàng sửa chữa không đủ độ tin cậy, không đảm bảo kỹ thuật nên động cơ, máy móc không đúng thiết kế, khiến rò rỉ nhiên liệu khi vận hành có thể là tác nhân gây cháy.
Còn với ý kiến cho rằng nếu xăng dầu bị trộn thêm các dung môi hòa tan như cồn công nghiệp là rất nguy hiểm cho động cơ xe, thì phải xem lại, bởi chủ trương dùng nhiên liệu sinh học làm từ E-thanol (xăng E5) đang được khuyến khích sử dụng, do đó khó có chuyện sản phẩm này gây nguy hiểm cho động cơ xe.
| |
Nhóm PV