Kỳ án 10 năm tù oan
Chiều 6-11, tại trụ sở Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã tiến hành xét xử theo thủ tục tái thẩm để xem xét việc hủy hai bản án (sơ thẩm và phúc thẩm) đã tuyên phạt án tù chung thân đối với ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) về tội danh “Giết người”.
Hủy tất các bản án trước đây
Phiên tái thẩm được mở ra sau khi Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có quyết định kháng nghị tái thẩm bản án hình sự phúc thẩm về tội “Giết người” đối với ông Nguyễn Thanh Chấn. Hội đồng thẩm phán TAND tối cao trong phiên tái thẩm gồm: Chánh án, Phó Chánh án Tòa Hình sự và một số thẩm phán do Ủy ban thường vụ Quốc hội cử theo đề nghị của Chánh án TAND tối cao, cùng đại diện đến từ Viện kiểm sát Nhân dân tối cao.
Kết thúc phiên tái thẩm, Hội đồng thẩm phám đã quyết định tuyên hủy các bản án (sơ thẩm và phúc thẩm) liên quan đến quá trình xét xử ông Nguyễn Thanh Chấn trước đó. Điều này đồng nghĩa với việc ông Nguyễn Thanh Chấn vô tội sau 10 năm phải chịu ngồi tù oan. Hội đồng thẩm phán cũng nhận định, sự việc: Ngày 25-10-2013, đối tượng Lý Nguyễn Chung (cùng trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) ra đầu thú và khai nhận đã thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan vào tối 15-8-2003 để cướp tài sản là tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án. Quyết định của Hội đồng tuyên hủy các bản án trước đây liên quan tới ông Chấn có hiệu lực ngay.
Đồng thời, Hội đồng thẩm phán cũng nhất trí với những nội dung trong Quyết định kháng nghị tái thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao. Theo đó, Hội đồng thẩm phán đã chỉ rõ tòa các cấp truớc đây khi tham gia xét xử ông Chấn đã không làm hết chức năng, nhiệm vụ của mình, đưa ra những phán quyết không thuyết phục và thiếu cơ sở khoa học. Được biết, trước đó, trong Quyết định kháng nghị tái thẩm, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đã nêu ra hàng loạt sai phạm về chuyên môn từ các cấp xét xử đối với ông Chấn, trong đó đáng lưu ý là việc quy kết trách nhiệm ông Chấn không căn cứ vào các chứng cứ thuyết phục mà chủ yếu dựa vào lời lấy cung.
Cũng liên quan tới vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, Văn phòng Chủ tịch nước cũng đã có thông báo ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Bộ trưởng Bộ Công an; Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và Chánh án TAND tối cao yêu cầu thủ trưởng các cơ quan tố tụng liên quan chỉ đạo các ngành tố tụng Trung ương khẩn trương minh oan, đền bù và khôi phục quyền lợi hợp pháp của người bị oan. Chủ tịch nước cũng chỉ đạo các cơ quan này điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh người phạm tội và những sai phạm của các tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố xét xử oan đối với ông Chấn. Đồng thời báo cáo Chủ tịch nước kết quả giải quyết.
Cần làm rõ những người đã ép cung
Đối với ông Chấn mặc dù đã được tự do và vô tội sau 10 năm phải ở trong tù oan ức, nhưng đến nay ông Chấn vẫn không khỏi kinh hoàng khi nghĩ lại những ngày bị hỏi cung ở trại giam sau khi bị bắt. Ông Chấn nghẹn ngào, có những lúc, cán bộ điều tra vừa thẩm vấn hỏi cung vừa cầm búa đe dọa nếu không khai nhận giết người thì đập chết. Thậm chí, ông Chấn còn bị tra tấn tinh thần và thể xác khi bị tạm giam, một đêm phải chuyển buồng giam vài lần và giam cùng buồng một số đầu gấu nên ông Chấn thường xuyên bị đánh đập. Sau những ngày bị đe dọa, khủng bố tinh thần và sức khỏe, ông Chấn bị bắt ép phải viết đơn thú tội và thư gửi về gia đình theo những gì điều tra viên đọc cho. Không chỉ có vậy để hoàn chỉnh chứng cứ, hồ sơ buộc tội ông Chấn giết người, khi thực nghiệm lại hiện trường vụ án, các điều tra viên cho một tù nhân đóng giả nạn nhân Nguyễn Thị Hoan, sau đó, đưa cho ông Chấn lúc cái thìa, khi cái lược để giả làm hung khí và bắt phải tập nhiều lần hành vi sát hại cho đến khi thành thạo để quay phim làm bằng chứng.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Đức Biền (50 tuổi, ở TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, người được chỉ định tham gia bào chữa cho ông Chấn trong phiên tòa sơ thẩm ngày 26-3-2004) cho biết: Khi xét xử vụ án của ông Chấn trước đây, chứng cứ quan trọng nhất là dấu vân tay tại hiện trường vụ án thì cơ quan điều tra đã không thu được. Cả cơ quan điều tra và cơ quan tố tụng đã không tìm được chứng cứ gốc để buộc tội ông Chấn nên có thể nói là chứng cứ lỏng lẻo, chỉ có lời khai của bị cáo ở bút lục thừa nhận việc giết người. Tuy nhiên, đáng lưu ý là những lời khai nhận tội này lại bị ông Chấn bác ngay tại hai phiên tòa vì lý do bị ép cung nhưng không được tòa xem xét tới.
| |
MINH KHANG
- Thoát tội giết người sau 10 năm ngồi tù kêu oan