Ông ngoại tôi - Người chiến sĩ ngã xuống giữa mùa xuân năm ấy

Ông ngoại tôi hy sinh vào Tết Mậu Thân 1968, khi mới 36 tuổi, lúc ấy là Phó Công an xã. Ông để lại vợ, bảy con thơ và 5ha đất rừng còn dang dở. Nhưng trên tất cả, ông để lại một tình yêu trọn vẹn, một lòng thương vợ con sâu sắc và một tấm gương kiên trung ngời sáng.

Ông ngoại tôi - Người chiến sĩ ngã xuống giữa mùa xuân năm ấy

1. Bà tôi thường kể về ông - một người đàn ông nghĩa tình, luôn thấu hiểu và sẻ chia với vợ. Vì những lý do riêng, mẹ kế nhiều lần tìm cách chia rẽ tình cảm vợ chồng ông bà. Ông giả vờ tức giận để ba và mẹ kế hài lòng, nhưng trong lòng vẫn vững vàng một mối yêu thương. Có lần, ông vỗ tay xuống gối “bình bịch” như trách bà, để mẹ kế nghe thấy, nhưng bàn tay còn lại vẫn ôm vợ vào lòng, vỗ về bằng tất cả sự dịu dàng và thấu hiểu.

Mười bốn năm sống bên nhau, ông và bà đã trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống thời loạn lạc. Ông vừa là người chồng, vừa là người chiến sĩ công an. Ông và bà cùng nhau vận dụng mưu trí để tránh tai mắt của địch ở đồn Chà Là - gần đó, giữ an toàn cho đồng chí của mình hoạt động trong lòng địch. Dù trong hoàn cảnh khó khăn đến đâu, ông vẫn giữ được sự lãng mạn rất riêng của mình. Mỗi khi đi làm đồng hay đi công tác về, ông lại hái tặng bà một đóa lục bình tím biếc.

Hơn cả một người chồng, một người cha, ông là trụ cột vững chãi của gia đình, là bóng mát che chở vợ con giữa những ngày giông bão. Ông chưa bao giờ để bà một mình xoay xở với đời, lúc nào cũng lo lắng chu toàn, từ bữa ăn đến giấc ngủ của các con, để bà đỡ phần vất vả, đỡ gánh nặng lo toan.

Bà hay kể, ông “sát cá” số dách! Chỉ cần thả câu một chút là giỏ đã đầy, bữa cơm gia đình nhờ thế mà thêm phần no đủ. Những tháng ngày gian khó, thiếu thốn đủ bề, nhưng trong căn nhà lá bé tẹo, tiếng cười chưa bao giờ vơi.

Mỗi lần đi đồng hay bí mật đi công tác về, ông không bao giờ quên ôm chặt các con vào lòng, vuốt mái tóc vàng hoe của con mà thủ thỉ những lời yêu thương. Ông tin, chỉ cần cả nhà bên nhau thì mọi chuyện rồi cũng sẽ ổn. Dẫu ngoài kia, bom đạn quân thù nổ ầm ì, ông cũng chẳng màng đến tính mạng! Vì với ông, quê hương cần giữ, vợ con cần yêu là nghĩa khí con người - sống sao cho đáng một đời!

Ông hy sinh trong những ngày áp tết, khi đang lom khom gặt lúa cùng đồng đội - thực chất là chuẩn bị cho một cuộc họp chi bộ để triển khai nhiệm vụ đánh úp đồn Chợ Cái Keo. Nhưng rồi, kẻ chỉ điểm khiến kế hoạch bại lộ. Địch ập đến bất ngờ. Ông biết, nếu bỏ chạy, khẩu súng sẽ rơi vào tay giặc. Ông không thể!

Ông ở lại chiến đấu, giữa cánh đồng mùa gặt vàng ươm, để rồi ngã xuống nơi ấy. Những viên đạn oan nghiệt đã cướp đi gương mặt ông. Khi đồng đội mang xác ông về, không ai còn nhận ra dáng hình quen thuộc. Nhưng bà tôi không khóc!

Bà nhìn các con. Bảy đứa trẻ thơ dại, nheo nhóc giữa mùa tang tóc. Bà không thể khóc, bởi bà biết, mình phải mạnh mẽ, phải đứng vững thay cả phần ông, phải sống để nuôi con, để giữ trọn ý chí và tinh thần kiên trung của người chồng đã ngã xuống.

2. Những đồng đội còn sống chưa bao giờ quên giây phút xé lòng ấy. Mỗi năm đến ngày giỗ, họ lại về, ngồi bên bà, kể chuyện xưa, nhắc về một người chiến sĩ đã ra đi, nhưng tinh thần thì vẫn mãi còn đây. Vững vàng, bất diệt.

Sau khi ông hy sinh, những ngày sau đó, bà tôi ôm dì Út chưa tròn 1 tuổi, nhìn ra cánh đồng mỗi khi ráng chiều rực đỏ. Những ký ức về ông, về những ngày tháng cùng nhau chống chọi với cuộc sống thời chiến, cùng nhau hy vọng vào ngày mai thống nhất sẽ mãi mãi không phai trong lòng bà. Những, dì và mẹ tôi lớn lên trong cảnh không cha, nhưng chưa bao giờ mất đi lòng tự hào về người cha của mình. Dẫu cuộc đời có xô đẩy, họ vẫn luôn tự nhủ rằng, mình là con của một người chiến sĩ công an anh hùng.

Hơn năm mươi năm trôi qua, ký ức về ông vẫn vẹn nguyên trong lòng người ở lại. Gia đình không có lấy một tấm ảnh nào của ông, nhưng hình bóng ông chưa từng nhạt phai. Trong ký ức của bà, ông mãi là người đàn ông tuổi thanh xuân, tràn đầy yêu thương và trách nhiệm với quê hương, đất nước.

Người ta nói, vì bà kém ông ba tuổi - tuổi kỵ, nên ông mất sớm. Bà lắc đầu nói: “Tôi không tin điều đó”. Nếu không có chiến tranh, ổng đâu có phải hy sinh? Nếu không có chiến tranh, dì Ba con và hai cậu con đâu phải bỏ mạng? Nếu không có chiến tranh, các dì con đâu phải lớn lên trong cảnh không cha, bị vết thương đạn bom hành hạ, bị người ta xem thường chỉ vì không có bằng cấp, dù dì Hai bây đã nương nhờ nơi cửa Phật?

Chiến tranh đã lấy đi nhiều thứ: tuổi trẻ, hạnh phúc, sự trọn vẹn của một gia đình. Nhưng nó không thể lấy đi tình yêu thương, sự hy sinh cao đẹp và những ký ức thiêng liêng mà bà và gia đình tôi luôn giữ về ông.

Ông ngoại tôi - người đàn ông của một thời đạn bom, một thời yêu thương, mãi mãi là niềm tự hào của chúng tôi.

Mỗi khi ngồi lại bên nhau, gia đình tôi vẫn kể về ông, về những kỷ niệm tưởng chừng xa xăm nhưng vẫn sống động như ngày hôm qua. Những câu chuyện ấy không chỉ nhắc nhớ về một người đã khuất, mà còn là nguồn động viên, là sức mạnh để chúng tôi tiếp tục sống, học tập, lao động. Với chúng tôi, ông không chỉ là một liệt sĩ, mà còn là một biểu tượng của lòng trung kiên, của tình yêu thương và sự hy sinh.

Chúng tôi đã lớn lên trong những câu chuyện kể về ông, về bà, về những ngày tháng khó khăn mà gia đình đã trải qua. Chúng tôi học từ bà cách yêu thương, từ ông cách sống vì lý tưởng, vì nghĩa tình. Và dù thời gian có trôi qua bao lâu, ký ức về ông vẫn mãi là một phần không thể tách rời trong tâm hồn mỗi người chúng tôi.

Tin cùng chuyên mục