Ông Sáu Tường- Anh hùng của người nghèo

Ông Sáu Tường- Anh hùng của người nghèo

Nói đến đồng chí Nguyễn Vĩnh Nghiệp, Anh hùng Lao động, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM, nhiều người cho rằng, hồi còn làm lãnh đạo thành phố, chưa chắc ông được nhiều người biết đến như bây giờ. Không chỉ ở TPHCM mà ở khắp các tỉnh miền núi, đồng bằng, vùng sâu, vùng xa, tên ông hầu như được bà con bệnh nhân nghèo nhắc nhở thường xuyên với một tình cảm thân thương…

Ông Sáu Tường- Anh hùng của người nghèo ảnh 1

Ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp (thứ hai từ phải qua) trong một chuyến mổ mắt nhân đạo ở Quảng Ngãi.

Nếu không có những chuyến cùng đi công tác với ông, có lẽ tôi cũng chỉ biết về ông đến vậy. Thế nhưng chỉ qua vài ngày làm việc bên cạnh ông, nghe những câu chuyện tâm tình của ông, tôi cảm nhận thêm được nhiều điều mà trước đó dù rất mến mộ ông tôi vẫn chưa thể khám phá hết được.

Dường như trong suy nghĩ từng ngày, từng giờ của ông bao giờ cũng thường trực một nỗi lo, làm sao để có thêm nhiều nguồn tài trợ chăm lo cho bệnh nhân nghèo. Gần 80 tuổi đời, người đàn ông có khuôn mặt phúc hậu ấy hầu như chưa bao giờ được ngơi nghỉ theo đúng nghĩa một người đang nghỉ hưu.

Cuộc sống của ông bây giờ là sự nối dài của những chuyến đi làm từ thiện. Vừa từ Hải Dương về TP sau đợt mổ mắt nhân đạo, tặng xe lăn cho bà con các tỉnh phía Bắc, ông đã lại lên đường trong đoàn công tác mổ mắt từ thiện cho trên 500 người dân Lào. Vừa từ Lào về, ông lại chuẩn bị cho chuyến công tác miền Trung và kết thúc chuyến đi miền Trung, ông lại chuẩn bị về miền Tây tặng xe lăn và mổ mắt nhân đạo.

Trở về TP chưa được nghỉ ngơi, ông lại chuẩn bị lên đường đi Lào Cai cùng Công ty Siêu Thanh mổ mắt cho bà con nghèo. Một mình với cái va-li nhỏ, ông ra sân bay có khi gần 11 giờ đêm trong cái se lạnh của mùa đông xứ Huế hoặc cái rét cắt da của miền Bắc. Nhìn khuôn mặt phúc hậu với nụ cười tươi rói, hiền khô của ông, ít ai hiểu rằng, có những lúc ông đã phải chịu đựng một mình những cơn đau đầu dữ dội tưởng chừng không chịu nổi.

Ông kể vui: Có hôm sáng ra, đến cơ quan làm việc, nhiều người gặp chào hỏi theo thói quen “Dạo này thấy anh khỏe ra!”, ông cười cảm ơn chứ biết nói gì, bởi có ai biết được rằng, đêm qua, ông đã phải trải qua một đêm đau đớn, vật vã như thế nào. Bệnh của ông đã được các bác sĩ ở nhiều nước Pháp, Nhật chữa trị nhưng vẫn không khỏi, vậy mà tự ông “cắt cơn” cho mình chỉ với vài viên thuốc Anagin rẻ tiền.

Đi công tác, trong vali của ông lúc nào cũng có mấy vỉ Anagin. Ngồi trên xe từ Huế ra Quảng Trị, ông kể về kỷ niệm nhớ đời với Huế, đó là chuyến vượt ngục không thành trong thời gian bị giam ở Huế. Chuyện ông kể cứ nhẹ tênh như không có gì, vậy mà người nghe vẫn cảm nhận sâu sắc cái khí tiết của một người cộng sản và cái tình của những người đồng chí với nhau.

Lần ấy, ông và một anh bạn tù rủ nhau vượt ngục. Anh bạn tự tin rằng, mình đã từng có kinh nghiệm vượt ngục, thế nhưng cuộc vượt ngục không thành, cả hai bị vây bắt. Anh bạn tù mạnh miệng nói với ông: “Tụi nó tra, anh cứ nói tui chủ mưu”, vậy mà, không hiểu sao, khi bị giải về gần đến trại giam, anh bạn lại than: “Khai tui chủ mưu, chắc nó đánh tui chết!”. Nghe vậy, ông thương bạn quá, lại nhận hết tội chủ mưu vượt ngục về mình và dĩ nhiên phải nhận lãnh những trận đòn thừa chết thiếu sống.

Ông kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện vui, buồn trong đời nhưng có một chuyện, đúng hơn là một nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời mình, ông đã không kể và tôi biết được chỉ do tình cờ. Gia đình ông có năm anh chị em nhưng chỉ có ông là con trai độc nhất. Ông cũng lại sinh được năm người con và cũng chỉ có một cậu con trai. Con trai của ông là đích tôn của cả dòng họ, vậy mà...

Khi con trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, ông vẫn đồng ý để con lên đường. Thế rồi cậu con trai hy sinh trên đất bạn. Nhận được tin dữ khi ông đang đi công tác ở nước ngoài. Nỗi đau đến tận cùng của ông, ai có thể chia sẻ được, vậy mà ông vẫn gượng dậy, vẫn tiếp tục làm việc, tiếp tục cống hiến, chỉ có bà mẹ ông, nỗi đau mất đứa cháu đích tôn đã quật ngã bà, nhiều năm sau vẫn chưa nguôi ngoai...

Mỗi một ngày sống của ông là một nỗ lực vì người bệnh nghèo, và với những gì ông cống hiến cho cuộc đời, ông hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu “Anh hùng Lao động” mà Nhà nước đã phong tặng cho ông. Biết ông được tặng danh hiệu cao quý này, nhiều bà con bệnh nhân nghèo đã chúc mừng ông và gọi ông là “Anh hùng của người nghèo”, riêng tôi, tôi vẫn muốn luôn được gọi ông bằng cái tên thân thương nhất mà mọi người vẫn gọi: “Anh Sáu Tường” dù ông đã quá tuổi “cổ lai hy”.

Ai cũng nghĩ, cũng mong con người hiền lành, tốt bụng ấy sẽ mãi mãi an lành, hạnh phúc, thế nhưng những ngày này, bạn bè, người thân của ông đang xót xa khi nhìn ông chiến đấu với căn bệnh đang từng ngày, từng giờ kéo lùi cuộc sống của mình. Tôi bỗng thấy thật đau lòng khi nghĩ đến một ngày sẽ không còn nhìn thấy nụ cười hiền khô của ông, không còn nghe giọng nói khàn khàn nhưng đầy tình cảm ấm nồng của ông…  

NGỌC YẾN

Tin cùng chuyên mục